Trên trang Facebook, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng Washington nên từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu nước này thực sự cam kết về “nỗ lực ngoại giao để giải quyết xung đột nội bộ Ukraine”. Thay vào đó, Washington nên sử dụng ảnh hưởng của mình với chính quyền Ukraine để thuyết phục họ ngừng phá hoại các thỏa thuận Minsk.
Đại sứ quán Nga kêu gọi “chấm dứt sự cuồng loạn và không leo thang căng thẳng xung quanh Donbass, quan trọng nhất là không kích động những cái đầu nóng ở Kiev trước những hành động khiêu khích mới”.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng, Nga sẽ không tấn công bất kỳ ai. Đây là cách phía Nga phản ứng trước tuyên bố của Washington “về việc không có các bước giảm leo thang ở biên giới Nga-Ukraine” và nước này có thể xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào, “kể cả từ lãnh thổ của Belarus”.
Trong diễn biến liên quan, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 18/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi người đồng cấp Mỹ không lặp lại những đồn đoán về "hành động gây hấn của Nga" đối với Kiev, đồng thời buộc các nhà chức trách ở Kiev tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận Minsk".
Trước đó, ngày 10/1, kênh truyền hình CNN của Mỹ đưa tin, Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự 200 triệu USD cho Ukraine vào tháng 12/2021. Politico hồi tháng 1 cho biết, một hệ thống radar và thiết bị hàng hải sẽ được chuyển cho Ukraine như một phần của gói viện trợ này.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 18/1 tuyên bố, Nga có thể phát động một cuộc tấn công vào Ucraina bất cứ lúc nào. Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, Nga đang sử dụng quân đội được gửi đến Belarus để tấn công đồng minh.
Truyền thông phương Tây và các chính trị gia bắt đầu đưa ra những giả thiết về việc Nga có kế hoạch tấn công Ukraine từ cuối năm 2021. Moscow nhiều lần tuyên bố rằng, việc di chuyển quân trên lãnh thổ Nga là việc nội bộ của nước này.