Mùa xuân trong mắt các thi nhân

03/02/2023, 05:44

Theo quy luật tuần hoàn của trời đất, thêm một mùa xuân mới lại về trên quê hương, đất nước thân yêu của chúng ta. Vạn vật dường như tươi thắm hơn trong cuộc hồi sinh kỳ diệu của thiên nhiên, và thi nhân là những người nhận được tín hiệu đầu tiên bằng những rung động từ nhịp đập của trái tim vốn dĩ vô cùng nhạy cảm.

Qua lăng kính của các nhà thơ nhiều thế hệ, mùa xuân hiện ra muôn màu muôn vẻ; vừa gần gũi, thân quen, vừa mới mẻ, tinh khôi như mới được phát hiện lần đầu.

hoa-do-mai-va-keo-la-tram-no-ruc-ro-o-phan-thiet-mytour-2.jpg

Thật vậy. Chỉ cần một vài nét chấm phá tài hoa, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã vẽ ra trước mắt ta “bức tranh xuân” theo phong cách thủy mặc, thấm đẫm hương đồng, cỏ nội trong không gian êm ả, thanh bình một cách cổ điển.

Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang

(Mùa xuân chín)

Bởi thi nhân luôn khát khao niềm giao cảm, nên sẵn sàng để ngỏ tấm lòng mình để bất cứ lúc nào cũng có thể tạo ra sự cộng hưởng tuyệt vời giữa nội tâm và ngoại cảnh bằng nhiều cung bậc cảm xúc đa thanh và đa diện. Trong cuộc đời trôi nổi từ Bắc vào Nam trước Cách mạng Tháng Tám, nhà thơ Nguyễn Bính từng đón xuân với bao nhiêu nỗi niềm chất chứa, được gửi gắm vào bài thơ “Hành phương Nam” nổi tiếng.

Nợ tình chưa trả tròn một món

Sòng đời thua đến trắng hai tay

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

Từ khổ thơ trích dẫn trên đây, chúng ta rất dễ dàng đồng cảm với thi sĩ chân quê Nguyễn Bính: Rằng một khi đã tha phương thì làm gì có được mùa xuân đúng nghĩa, nhất là trong bối cảnh nước nhà còn chìm trong đêm dài nô lệ.

Đã trải qua rất nhiều mùa xuân trong những năm kháng chiến đầy gian lao và chất chồng biến động nên nhà thơ Viễn Phương luôn dành riêng cho những lần đón xuân cận kề cái chết trong tù ngục của kẻ thù một ấn tượng lạc quan kỳ lạ.

Khi ta nằm trong chín lớp rào gai

Qua khe cửa, một cành hoa rất đỏ

Ta bỗng thấy hồn ta tràn nắng gió

Xuân bay lên giữa bốn mặt song tù

(Giọt nắng)

Với nhà thơ Hữu Thỉnh, mùa xuân luôn nằm trong dòng chuyển động thường hằng của cuộc sống, là sự chuyển hóa nhịp nhàng theo quy luật khách quan của trời đất nhưng vẫn luôn gợi mở những điều kỳ diệu làm phong phú thêm tâm hồn bay bổng của thi nhân.

Có cái gì thật êm

Phả vào trong trời đất

Như là ta nhớ mình

Cả mùa đông cách biệt

(Những tiếng chim xuân)

Từ một góc nhìn cận cảnh, được soi rọi từ chiều kích khác, nhà thơ Nguyễn Duy còn cảm nhận được giây phút thăng hoa tuyệt vời khi mùa xuân trở dạ - một cách ví von ngộ nghĩnh, giàu tính phát hiện và cực kỳ tinh tế.

Mùa xuân trở dạ dịu dàng

Hoa khe khẽ hé nhẹ nhàng hương bay

Nhẹ nhàng lộc cựa nách cây

Dịu dàng hương dải tím mây ngang chiều

(Dịu và nhẹ)

Ở một không gian khác, thuộc về quá khứ, mùa xuân trong thơ Đỗ Hồng Ngọc là hồi quang của những hoài niệm đẹp lồng trong một bóng hình yêu dấu, khó phôi pha nơi mảnh đất cực Nam Trung bộ quê hương anh, với rực rỡ nắng vàng, ngút mắt dừa xanh và lung linh cát trắng.

Em có về thăm Mũi Né không

Mùa xuân thương nhớ má em hồng

Nhớ môi em ngọt dừa xứ Rạng

Nhớ dáng thuyền đi trong mắt trong

(Mũi Né)

Xuân Quỳnh là nhà thơ tài hoa. Mùa xuân trong thơ nữ sĩ thường lấp lánh một vẻ đẹp thánh thiện và vô cùng trong sáng, mặc cho cuộc đời luôn ẩn chứa bao nhiêu điều bất trắc, khôn lường. Đọc thơ viết về mùa xuân của Xuân Quỳnh ta cảm nhận được sự ấm áp, lòng khoan dung nhân hậu và độ lượng.

Có một thời vừa mới bước ra

Mùa xuân đã gọi mời trước cửa

Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ

Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi

(Có một thời như thế)

Những năm tháng mải miết trên đường hoạn lộ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn không nguôi nhớ về nhành mai vàng phương Nam bên thềm xuân xứ Huế. Và chính trong khoảnh khắc riêng tư ấy, tác giả “Mặt đường khát vọng” đã có những câu thơ dung dị mà ẩn giấu bên trong những trăn trở, những nỗi niềm day dứt không dễ gì bày tỏ.

Thôi đã vậy, xin đừng buồn mẹ nhé

Con đi xa vẫn giữ trọn hình hài

Giấc mơ xưa dù bao dâu bể

Bên thềm xuân còn một nhành mai…

(Viết cuối năm)

Trục thời gian cứ xoay tròn xuân, hạ, thu, đông, để mùa xuân cứ đi về, hội tụ và lan tỏa xung quanh sự tuần hoàn bất di bất dịch của tạo hóa. Tuy nhiên, các nhà thơ lại có những cách cảm cách nghĩ không giống nhau về mùa xuân, và điều đó đã mang đến cho độc giả những vườn thơ xuân vừa mới lạ, quyến rũ, vừa dạt dào hương sắc. Xin được khép lại bài viết tản mạn này bằng những dòng thơ lục bát nhuần nhụy của nhà thơ lớn Tố Hữu khi ông chiêm nghiệm về mùa xuân vào những năm tháng cuối đời.

Và cây lại mọc ra cành

Cho mùa xuân trước hóa thành xuân sau

Như tình yêu ấy, bền lâu

Xa nhau rồi lại gần nhau, mặn nồng.

ĐỖ QUANG VINH

Related articles
Bình Thuận, vài chuyện thời mở đất
Bình Thuận (và Ninh Thuận) nguyên là vùng đất Panduranga - phần lãnh thổ cuối cùng của vương quốc cổ Champa (hay còn gọi là Chiêm Thành). Đầu năm 1693, khi những đạo quân của chúa Nguyễn do Nguyễn Hữu Cảnh chỉ huy tiến vào. Đất Bình Thuận được mở ra từ đó, với tên gọi ban đầu là Thuận Thành trấn. Trên cơ sở tham khảo sách Đại Nam thực lục (tập 1, bản dịch 2002), bài viết dưới đây xin được lược thuật lại vài chuyện diễn ra cách nay đúng 330 năm trước.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa xuân trong mắt các thi nhân