Kết nối giao thông từ cao tốc đến các khu du lịch trọng điểm
Khi 2 tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Phan Thiết – Vĩnh Hảo hoàn thành đưa vào sử dụng, Bình Thuận đã tính ngay đến việc đấu dẫn các tuyến đường từ 2 tuyến cao tốc này đến các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho rằng, hạ tầng giao thông là 1 trong những yếu tố quan trọng để du lịch Bình Thuận cất cánh. Chính vì thế tỉnh Bình Thuận đang đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để đồng bộ, kết nối hơn nữa hệ thống giao thông hiện có, tạo ra sự thuận lợi của du khách trong việc di chuyển đến các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Song song với hạ tầng giao thông, địa phương đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút khách du lịch, đưa du lịch Bình Thuận phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có. Khi hệ thống giao thông kết nối đến các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là TP. Phan Thiết có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp thành phố Phan Thiết phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị và phát triển du lịch bền vững…
Mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo phương án đầu tư tuyến đường kết nối đường bộ cao tốc đến các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Theo đó, tuyến đường sẽ có điểm đầu tuyến tại Km13+300 đường bộ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, điểm cuối tại Km4+900 đường ĐT.712. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất 2 phương án tuyến đường kết nối đường bộ cao tốc đến các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Phương án 1 đó là tuyến đường bắt đầu từ nút giao cao tốc kết nối vào đường ĐT.712 hiện hữu giao QL 1A tại Km 1732+750 và đi theo đường ĐT.712 hiện hữu đến khu vực dự án với tổng chiều dài khoảng 8,4 km, gồm 2 đoạn tuyến (đường ĐT.712 nối dài kết nối với đường bộ cao tốc có chiều dài khoảng 3,5 km, cải tạo, nâng cấp đường ĐT.712 hiện trạng với chiều dài khoảng 4,9 km). Phương án 2, tuyến đường bắt đầu từ nút giao cao tốc đến giao với QL 1A tại Km 1733+325, sau đó tuyến đi song song với đường ĐT.712 hiện hữu và kết nối vào đường ĐT.712 tại Km 4+900 đến khu vực dự án, đây là tuyến làm mới hoàn toàn với tổng chiều dài khoảng 8,1 km, gồm 2 đoạn tuyến (đường ĐT.712 nối dài kết nối với đường bộ cao tốc có chiều dài khoảng 3,6 km; làm mới đoạn tuyến ĐT.712 đi song song với đường ĐT.712 hiện hữu và kết nối vào đường ĐT.712 tại Km 4+900 để tránh qua khu dân cư hiện hữu đầu tuyến, hạn chế bồi thường, giải phóng mặt bằng có chiều dài khoảng 4,5 km).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải cũng đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Hàm Thuận Nam bổ sung danh mục dự án đầu tư tuyến đường kết nối đường bộ cao tốc đến các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam vào Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1701, ngày 27/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu là kết nối tuyến đường của dự án này với tuyến đường bộ cao tốc, đường ven biển đến các khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Đưa danh mục dự án vào cơ sở dữ liệu tỉnh để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Phát triển thêm cả hệ thống giao thông nội tỉnh
Không chỉ phát triển hệ thống giao thông dẫn nối từ đường cao tốc đến các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, hiện nay Bình Thuận cũng đang nỗ lực cùng với các bộ, ngành Trung ương tập trung đầu tư một số công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các tuyến nội tỉnh thời gian qua đã được chú trọng đầu tư và nâng cấp. Đến nay đã đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường ven biển Hòa Thắng – Mũi Né và đoạn Mũi Né – Phú Hài. Tiếp tục sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đường thuộc các tuyến đường ven biển và các trục đường giao thông chính kết nối với các khu du lịch của tỉnh. Tỉnh còn chỉ đạo rà soát, đầu tư một số đường nhánh xuống biển để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách. Hiện nay tỉnh đang tiếp tục nâng cấp, mở rộng các đoạn đường thuộc tuyến ven biển từ Phan Thiết đi Mũi Né, đường ĐT.719 từ Kê Gà (Hàm Thuận Nam) đến La Gi. Ngoài ra, có 3 tuyến đường tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư để phát triển trọng điểm và cấp bách đó là đường ĐT.719B Phan Thiết – Kê Gà, thiết kế dài 25,4 km, rộng 16m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; đường ĐT.719 Kê Gà – Tân Thiện, thiết kế dài 32,4 km, rộng 8m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; Đường ĐT.711 có điểm đầu giao QL 28 (Hàm Thuận Bắc) cắt ngang QL 1A, điểm cuối giao trục ven biển ĐT.706B, dài 41 km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng.
Để Bình Thuận trở thành trọng điểm du lịch quốc gia, việc đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông là một trong những điều kiện tiên quyết để khai thác cao nhất mọi nguồn lực trong xã hội nhằm tạo đà cho du lịch Bình Thuận phát triển.