Mở cửa tham quan di sản Hoàng tộc Chăm

18/07/2024, 05:11

Bắc Bình được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng, hội tụ đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch, trong đó có du lịch di tích lịch sử, văn hóa. Vì thế thông tin Kho mở bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm mở cửa đón khách đang mở ra cơ hội phát triển tuyến du lịch mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về một nền văn hóa lâu đời của đồng bào Chăm ở Bình Thuận.

vuong-mien-vua-va-bui-toc-hoang-hau-bang-vang-the-ky-17.jpg
Vương miện của vua Pô Klong Mơh Nai và búi tóc của Hoàng hậu Pô Bia Som bằng chất liệu vàng (ảnh Bảo tàng tỉnh).

Đánh thức di sản

Bình Thuận là vùng đất cuối cùng của vương quốc Champa mà xưa là xứ Panduranga. Riêng ở huyện Bắc Bình, trong lịch sử phát triển của vương quốc Champa trước đây và cả thời gian sau này, qua các thời kỳ đều để lại những dấu ấn đặc sắc về văn hóa gắn với lễ hội tôn giáo tín ngưỡng. Phát huy những giá trị ấy, hòa quyện cùng cảnh sắc du lịch ghép thành bức tranh tổng thể nhiều gam màu đặc trưng của địa phương nằm ở phía bắc tỉnh.

img_3100.jpg
img_3087.jpg
Các hiện vật của Hoàng tộc Chăm được trưng bày

Kho mở Bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm tọa lạc cách QL 1A khoảng 30m về hướng bắc thuộc thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình. Đây là bộ sưu tập duy nhất còn lại khá đầy đủ của vương triều Champa được lưu giữ hơn 400 năm qua bởi gia tộc hậu duệ vua Pô Klong Mơhnai. Nơi đây trưng bày hơn 100 hiện vật gốc mang đậm giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc Chăm. Gắn với bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm còn có di tích Đền thờ Pô Klong Mơh Nai tọa lạc cách QL 1A khoảng 200m về hướng đông thuộc khu phố Lương Đông, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật Quốc gia năm 1993.

Bộ sưu tập di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm được đánh giá hội tụ đầy đủ các giá trị về lịch sử ra đời của vương triều Chăm xưa với trang phục, trang sức, vương miện, vũ khí, đồ ngự dụng trong hoàng cung… Trước năm 1975, bộ sưu tập này được bảo quản kín vì lý do tâm linh, tín ngưỡng, bảo đảm an ninh, an toàn cho di sản và người bảo vệ di sản. Sau khi được xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật quốc gia, đến nay, gia đình hậu duệ Hoàng tộc Chăm đã đồng ý để Bảo tàng tỉnh Bình Thuận thiết kế, trưng bày bộ sưu tập dưới dạng kho mở.

img_3107.jpg
img_3095.jpg
Du khách tham quan, tìm hiểu bộ sưu tập Hoàng tộc Chăm.

Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, từ năm 2023 - 2024, Bảo tàng tỉnh được giao triển khai thực hiện “Xây dựng mô hình kho mở Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm huyện Bắc Bình kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản văn hóa Chăm tại địa phương”. Qua thời gian khảo sát, thống kê, Bảo tàng tỉnh đã phân loại Bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm thành 8 nhóm sưu tập. Đó là sưu tập vương miện vua và hoàng hậu; sưu tập vũ khí: Đao, kiếm; sưu tập nhạc khí (Phèng la); sưu tập đồ thờ tự (tín ngưỡng, tâm linh); sưu tập vải (vải thổ cẩm và vải có nguồn gốc từ nước ngoài); sưu tập gốm sứ; sưu tập giấy: sắc phong một số đời vua triều Nguyễn và một số loại tư liệu về đất đai, địa bạ, các văn bản hành chính sao chép bằng chữ Hán Nôm từ những sắc phong các đời vua nhà Nguyễn; sưu tập gỗ: Rương đựng đồ hoàng tộc, mũ vệ binh. Trong đó, giá trị nhất là bộ vương miện của vua Pô Klong Mơh Nai vào đầu thế kỷ XVII và búi tóc của hoàng hậu Pô Bia Som bằng chất liệu vàng với đường nét chạm khắc hoa văn rất tinh xảo, độc đáo, cùng với bộ trang phục của nhà vua, hoàng hậu, hoàng tử và công chúa, chiếc áo bào với hoa văn cổ và ngực áo đều thêu dệt nên hình con Makara, để vua Pô Klong Mơh Nai thường mặc lúc ngự triều.

img_3135.jpg
Sắc phong vua triều Nguyễn ban tặng Hoàng tộc Chăm.

Phát huy di sản gắn với du lịch

Du lịch khám phá di sản là loại hình du lịch khá phổ biến được nhiều người yêu thích những năm gần đây. Vì thế ngay khi biết Kho mở di sản văn hóa Hoàng tộc Chăm chính thức mở cửa, đoàn du khách, những nhà sưu tầm hiện vật đến từ TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng đã đến và đều đánh giá cao giá trị các hiện vật văn hóa. Ông Nguyễn Quốc Dũng (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết: Tôi rất vui khi từ nhiều năm nay chính quyền và gia đình đã triển khai nhiều việc nhằm bảo tồn và hiện mở cửa để mọi người đều được vào chiêm ngưỡng các “bảo vật”. Đây là điểm nhấn ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa lâu đời của đồng bào Chăm, làm phong phú, đa dạng nền văn hóa đa sắc màu của Bình Thuận.

img_3121.jpg
Bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đánh giá cao công tác giữ gìn các hiện vật.

Dưới góc độ người làm bảo tàng, bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đánh giá: Theo thời gian và không gian gia đình, nhưng gia đình đã giữ được gần như nguyên vẹn các hiện vật gốc trong 4 thế kỷ, đó là điều rất đáng quý. Tuy nhiên hiện một số bộ trang phục hoàng bào nhà vua theo thời gian đang bị hư hỏng nặng, cần được “trị liệu”, tìm những nghệ nhân Chăm chuyên về thêu thùa hiểu phẩm bậc để phục chế, bảo quản hiện vật. Đồng thời, cũng cần lưu ý về điều kiện tự nhiên, nhiệt độ, môi trường, hạn chế tác động đến hiện vật và phối hợp đầu tư nhiều hơn đến hình thức trình bày để khách tham quan chiêm ngưỡng được từng nét hoa văn trên từng bộ trang phục của nhà vua, hoàng hậu, công chúa.

img_3133.jpg
Những hiện vật của Hoàng tộc Chăm là tài sản vô giá

Để phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa Chăm, ông Ức Viết Vòng - Trưởng Ban Quản lý Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm cho biết: Hiện các thành viên trong gia đình Hoàng tộc Chăm đã được tham gia khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng xây dựng mô hình và nghiệp vụ du lịch. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, kết nối các đơn vị, công ty du lịch xây dựng tour, tuyến khám phá di sản, văn hóa Chăm trong một ngày trải nghiệm từ Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm đến làng gốm Bình Đức, kho mở Hoàng tộc, các đền và thưởng thức món ẩm thực dân gian Chăm, nhằm khai thác, phát huy thế mạnh giá trị văn hóa, du lịch một cách bền vững.

Những hiện vật của Hoàng tộc Chăm là tài sản vô giá do các thế hệ trước để lại cho thế hệ tiếp nối. Đó là cơ sở để gìn giữ, sáng tạo nên những giá trị mới phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. Vì thế, theo ông Đoàn Văn Thuận – Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị các hiện vật đang trưng bày, cần có sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành, chính quyền địa phương và gia tộc hậu duệ vua Chăm để có những giải pháp cơ bản trước hiện trạng thực tế nhằm từng bước phát huy tại chỗ giá trị văn hóa nghệ thuật của bộ sưu tập và cả những giải pháp kinh tế khi đưa vào kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản văn hóa Chăm tại địa phương.

Kho mở di sản văn hóa hoàng tộc Chăm chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 16/7, tại gia đình bà Lư Nguyễn Thị Phương Dung - thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình. Thời gian mở cửa từ thứ hai đến chủ nhật hàng tuần (trừ thứ năm).

THÙY LINH

Related articles

Phản biện dự thảo Đề án “Chuẩn mực văn hoá, gia đình con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hoá gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới”
BTO-Sáng 15/7, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án “Chuẩn mực văn hoá, gia đình con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hoá gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới” (gọi tắt đề án). Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa VIII; Hội đồng tư vấn Dân chủ - pháp luật; Hội đồng tư vấn Dân tộc - Tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện MTTQ các huyện, thị xã, thành phố.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở cửa tham quan di sản Hoàng tộc Chăm