Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2024): “Hừng hực khí thế mùa thu rồi ngày 23…”

23/09/2024, 10:33

BTO-Cách đây 79 năm, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng đã đánh úp trụ sở Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và cơ quan tự vệ Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Đông Dương.

z5858281633855_8397c9a8416a1fd89152935e1bcb45d4.jpg

Tinh thần “Độc lập hay là chết”

Như vậy là chỉ 21 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam bộ lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu.

Ngay trong sáng 23/9/1945, Xứ ủy Nam bộ và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã triệu tập cuộc họp tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5). Hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ”, xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng” và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”. Hội nghị quyết định: Triệt để tổng đình công, không hợp tác với giặc Pháp, đánh du kích, phá hoại đường giao thông tiếp tế, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt địch. Chiều ngày 23/9/1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác; công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Khắp phố phường, vật chướng ngại mọc lên. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi. Ngay trong những ngày đầu, nhân dân Sài Gòn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ, thực hiện lời thề “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tiêu biểu cho tinh thần “Độc lập hay là chết” là tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23/9/1945, khi 1 đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ Sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta đã kiên quyết chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng. Cảm phục trước khí tiết anh dũng hy sinh đó, viên chỉ huy người Anh đã cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ Thủ Ngữ. Trận chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc - biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang ta dũng cảm tổ chức nhiều trận đánh ác liệt.

Chợ Bến Thành, Sài Gòn, ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23/9/1945).

Ngày 26/9/1945, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư cho đồng bào Nam bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng Chính phủ vàtoàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Tại Hà Nội, Đảng và Chính phủ vừa phải lo củng cố chính quyền cách mạng và ổn định đời sống của nhân dân, vừa phải lo đối phó với quân Tưởng và bè lũ tay sai nhưng Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến phức tạp ở miền Nam. Bác căn dặn nhân dân Nam bộ bình tĩnh, tranh thủ thời gian để xây dựng lực lượng, củng cố giữ vững chính quyền cách mạng; cử một phái đoàn của Trung ương vào Nam bộ để cùng Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Nam bộ sục sôi căm thù, đã nhất tề đứng lên, xông pha mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ kháng chiến. Người dân Sài Gòn và Nam bộ hừng hực khí thế của “Mùa thu rồi, ngày 23, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”, nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân Sài Gòn đã thực hiện chiến thuật “trong đánh, ngoài vây”, hình thành 4 mặt trận tiền tuyến ở ngoại thành. Các ụ chiến đấu mọc lên ở khắp phố phường, các đội tự vệ cùng nhân dân canh gác các ngả đường. Các cuộc chống trả quyết liệt ở cột cờ Thủ Ngữ, khu vực Tân Định, cầu Thị Nghè, cầu Muối, cầu Chữ Y… Nhân dân Sài Gòn triệt để thực hiện tổng đình công, nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ búa đóng cửa, xe điện ngưng chạy…Vòng vây quân sự cùng với vòng vây kinh tế làm cho kẻ địch bất ngờ, hoảng sợ.

Thành đồng Tổ quốc

Theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, quân và dân Nam bộ đã thể hiện tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng. Từ gậy tầm vông, giáo mác, từ những vũ khí thô sơ, ít ỏi, quân và dân Nam Bộ đã kiên cường chống lại sức mạnh quân sự hùng hậu của kẻ thù. Ngay trong những ngày đầu tái xâm lược nước ta, quân Pháp đã liên tục bị tấn công và bao vây chặt trong thành phố. Chúng đã bị lâm vào tình trạng khốn đốn: không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu quân và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu hao. Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng đồng bào cả nước. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ náo nức tham gia phong trào “Nam tiến” với khí thế hăng say chưa từng có. Chính vì lẽ đó, tháng 2/1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”. Và Ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945 đã trở thành một trong những dấu ấn không thể phai mờ trong truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam.



Ngày 24/9/1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn (Hà Nội), nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối Phái bộ Anh dùng vũ lực chiếm đóng Nam bộ.

 Trong điều kiện miền Bắc gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn phát động nhiều phong trào ủng hộ Nam bộ kháng chiến. Hàng vạn thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ đã tình nguyện lên đường Nam tiến, vào Nam đánh giặc. Nhân dân đóng góp tiền bạc, quần áo, thuốc men ủng hộ đồng bào miền Nam. Chi đội Giải phóng quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội đêm 26/9/1945, mở đầu phong trào cả nước ra trận, phản ánh ý chí “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của quân dân miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý “Thành đồng Tổ quốc”. Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ đã tạo điều kiện để toàn Đảng toàn dân ta chuẩn bị và tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài trong cả nước. Ý chí chiến đấu quật cường của đồng bào Nam Bộ trong ngày 23/9/1945 đã để lại những bài học vô cùng quý giá. Đó là bài học về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Trước sức mạnh của kẻ thù, Xứ ủy Nam bộ đã thấy được sức mạnh vô cùng to lớn từ nhân dân. Nhân dân Nam bộ quyết không khuất phục, đã nhất tề đứng dậy chiến đấu. Xứ ủy Nam bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến là quyết định hợp lòng dân, đã phát huy sức mạnh to lớn từ nhân dân. Đường lối đúng đắn của Đảng, mà trực tiếp là Xứ ủy Nam bộ đã tập hợp và phát huy được tất cả các lực lượng, đồng thuận hướng đến ngọn cờ độc lập dân tộc, chống lại kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương. Đó còn là bài học về sức mạnh toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Bác Hồ đã được phát huy cao độ. Trong những tháng năm đó, cùng với đồng bào Nam bộ kháng chiến, đã có hàng vạn những người con ưu tú của miền Bắc đã lên đường “Nam tiến” giết giặc. Quân và dân Nam bộ đã sống, chiến đấu xứng đáng với danh hiệu Bác Hồ phong tặng suốt 30 năm chiến đấu kéo dài, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Và đó cũng là một biểu tượng kiên cường bất khuất cho mảnh đất miền Nam Thành đồng đi trước, về sau.

79 năm đã qua kể từ Ngày Nam Bộ kháng chiến, trong trái tim của những người Việt Nam yêu nước vẫn luôn tự hào về truyền thống chiến đấu kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha, anh đã anh dũng kiên cường chiến đấu hy sinh để bảo vệ đến cùng nền độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Ngọn lửa Ngày Nam Bộ kháng chiến năm xưa mãi mãi là nguồn động lực sức mạnh tinh thần to lớn, cổ vũ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay.

HUỲNH THÁI DƯƠNG

Related articles
Nâng cao nhận thức thanh niên trong thực hiện Di chúc của Bác
Buổi sinh hoạt chính trị với chủ đề “Nhớ về Bác - lòng ta trong sáng hơn” do Huyện đoàn Hàm Thuận Nam tổ chức trong những ngày qua là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên nhận thức sâu sắc hơn nữa nội dung, giá trị to lớn của bản Di chúc, góp phần thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

(0) Comments
Focus
A New Race Begins
BTO-“I grew up in a poor rural area, where life was full of challenges and hardships. And yet, here I am now, standing here, with this great award and joy!” Vinicius Jr spoke these heartfelt words during the 2024 FIFA The Best Awards ceremony held in Doha, Qatar, on the evening of December 17.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2024): “Hừng hực khí thế mùa thu rồi ngày 23…”