Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

28/05/2020, 08:53

BT- Ngày 27/5, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tiếp tục trực tuyến đến 63 tỉnh, thành cả nước. Tại điểm cầu Bình Thuận có ông Huỳnh Thanh Cảnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu trong đoàn.

Mở đầu, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó nhấn mạnh, từ ngày 1/1/2015 - 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự, xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại cả năm 2018 (1.779 trẻ). Sự gia tăng đột biến phản ánh các vụ xâm hại trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi xâm hại trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước…

Tiếp đó, đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành thảo luận trực tuyến thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tại điểm cầu Bình Thuận, bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu bày tỏ quan điểm đồng tình báo cáo giám sát của Quốc hội; riêng tại địa phương qua thực tế giám sát thực trạng này cho thấy: Trẻ bị xâm hại còn có nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, nhiễm HIV/AIDS. Trẻ em bị xâm hại dễ bị mặc cảm, tự ti, phát triển không bình thường; hành vi này còn gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong xã hội. Đại biểu Phúc bổ sung một số tồn tại như việc xử lý thông tin liên quan các vụ việc xâm hại trẻ em còn gặp khó khăn do tâm lý trẻ bị xâm hại lo sợ không dám nói với người lớn, một số gia đình không muốn cung cấp thông tin cho ngành chức năng, vì sợ ảnh hưởng con cái; cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em cấp xã hiện nay kiêm nhiệm nên việc bảo vệ trẻ em ở các địa phương gần như không có… Từ thực tế ấy, Đại biểu Phúc đề nghị Chính phủ đưa mục tiêu bảo vệ trẻ em là mục tiêu quốc gia, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện pháp luật, chính sách về trẻ em; các kênh tuyền thông tăng cường tuyên truyền lĩnh vực này để nâng cao nhận thức cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho chính bản thân trẻ em phòng chống xâm hại tình dục. Các địa phương bố trí kinh phí phù hợp và người làm công tác trẻ em ở cơ sở theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 90 Luật Trẻ em. Mặt trận và các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đoàn viên, hội viên, kịp thời nắm bắt thông tin liên quan đến trẻ em, nhất là trẻ em hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại… để có biện pháp phòng, chống hiệu quả, đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ em ở mọi nơi.

T. Khoa


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em