Kiếm sống ở “vương quốc” tôm hùm

26/02/2021, 11:20

BT- “Ðá và đá. Ðá  lô nhô, hòn lớn hòn nhỏ, từ trong  bờ lan dài ra mặt biển có đến vài chục mét. Trên bờ, cũng một trăm mét dọc theo đá là những chiếc máy nổ xình xịch, nhưng tuyệt nhiên không một bóng người.

Những thợ lặn

Bên chiếc máy nổ, tôi  gọi  có ai không, có ai không đến lần thứ 3 thì từ dưới mặt biển cách đó chục mét, một anh chàng đeo kính lặn, bộ quần áo dính sát người “đội” nước trồi lên. Chẳng cần hỏi han gì, một tay gỡ kính lặn, một tay cầm đầu ống cao su khá dài, anh chàng này quát lên, sao mà chặn dây tui hả ông? Trời đất, ai chặn dây bao giờ, bụng nghĩ, nhưng tôi vẫn nhìn xuống chân, thì ra có một sợi dây màu xanh lá cây, nối từ máy nổ ra, được luồn trong đám rau muống biển và tôi vô tình xéo lên. Người thanh niên sau câu quát bước dần vào  bên trong, bây giờ chúng tôi cách nhau vài bước chân, nhờ vậy tôi biết người đối diện mình trạc ngoài hai mươi lăm, mặt vuông vắn, rắn rỏi đúng chất đàn ông xứ biển. Lưng anh chàng  có một dây chì đeo sát bụng nặng có đến 10kg.  Đây là một anh chàng lặn biển và sợi dây tôi vô tình xéo lên lúc nãy  chính là dây cung cấp  oxi cho người lặn. Và, có lẽ vì không đủ hơi nên anh chàng phải trồi lên đột ngột. Nếu vậy người ta có trách mình cũng không nên  “sửng cồ” làm gì, tôi nghĩ bụng và chờ đợi một lời trách cứ. Nhưng chàng trai sau cái nhìn như quát vào tôi,  hiền lành bảo, nhưng mà thôi, chắc chú vô tình. Cháu cũng đói rồi để tranh thủ ăn miếng cơm đã!

Tánh, như người thanh niên tự giới thiệu,  lấy ra một hộp  cơm từ trong một hốc đá ven bờ. Một  cái trứng vịt, mấy lát thịt mỏng, như có sức gọi mời bằng chứng Tánh ăn ngon lành. Tôi ngồi bên quan sát đôi tay đen đũi, đầy vết sẹo từ cánh tay cho tới bàn tay. Điều đó nói lên, đôi tay ấy quen với cực nhọc, hiểm nguy. Tánh nói, nhà Tánh ở xã Thuận Quý, cách biển chỉ vài cây số, theo anh em đi làm nghề lặn khoảng chục năm trở lại, rất quen thuộc với vùng biển trước mặt đây. 

“Vương quốc” tôm hùm con

Dọc theo bờ biển Thuận Quý - Tân Thành (Hàm Thuận Nam), từ lâu người ta xác định thuận lợi cho phát triển du lịch. Nhưng có một đoạn những nhà đầu tư du lịch không thích lắm là đoạn Đá Nhảy dài khoảng 2 km. Gọi là Đá Nhảy vì ở đây đá xếp lớp, hòn nọ chồng hòn kia, tạo nên vô số hình thù, tùy theo sự tưởng tượng của con người. Không thuận lợi cho du lịch nhưng lại là chỗ kiếm sống của thợ lặn chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp. Hàng năm, từ tháng mười một trở đi, gió mùa đông bắc thổi mạnh, ngoài khơi sóng cuộn trào, tôm hùm con nương sóng vào náu trong  hốc đá, khe đá bên dưới mặt nước. Lượng tôm hùm con khó lòng xác định được nhưng năm này qua năm khác nó giúp thợ lăn kiếm sống nên Đá Nhảy  được ví là “vương quốc” tôm hùm  con là thế.

Thanh niên Thuận Quý làm rất nhiều nghề trong năm. Trong đó có nghề lặn tôm hùm mấy tháng cuối năm và đầu năm mới. Gần đây, giá thanh long  trồi sụt, nhà vườn ít kêu công nên lượng người lặn tăng lên. Có đến vài chục thanh niên làm nghề lặn lúc này. 4 giờ sáng, những người lặn chuẩn bị ra biển. Đồ nghề chở trên mô tô là chiếc máy bơm, vòng dây dẫn hơi dài cả trăm mét, cơm  sáng và trưa, nước uống. Chi tiết hơn, trên người thợ lặn còn có mấy chiếc lọ  thủy tinh trong suốt có nắp đậy đựng tôm hùm con khi bắt được, chiếc đèn pin dành cho người nhái không vô nước, rất sáng và một chiếc que sắt dài, mỏng, dùng chọt khuấy trong hốc đá. Tụi cháu ra biển khi trời còn tối thui, nhưng có hôm thì làm được có hôm không dám lặn. Tánh nói. Những hôm không dám lặn là lúc sóng to, phủ lên bờ trắng xóa. Những lúc như thế dù có núp vào đá, đôi tai thợ lặn vẫn  bị sóng dội, rất dễ rách màng nhĩ. Vì vậy, có  không ít thợ lặn lâu năm khả năng nghe kém. Hôm nào sóng cho phép lặn, thợ lặn cũng phải dành mười mấy phút khởi động, có người còn uống một ngụm nước mắm lâu năm, mục đích làm nóng cơ bắp, nổ máy bơm oxi lên, chỉnh máy nổ đều và khi mặt trời từ chỗ là một khối đỏ tươi trên mặt nước, chuyển dần sang hồng, tràn ra khắp nơi, là lúc họ lần lượt xuống biển. Vậy cứ mỗi chiếc máy đang nổ xình xịch kia đều có người lặn, tôi hỏi. Tánh gật đầu tiếp, thợ lặn thường hùn tiền để sắm sửa đồ nghề. Mỗi chiếc máy nổ vậy có 2 đến 3 người chung, thành ra một tổ  lặn.  Mỗi tổ đều có điểm lặn riêng, cũng như cố gắng tìm kiếm điểm mới. Tổ nào chọn nơi hành nghề của tổ đó. Riêng trường hợp Tánh, hôm nay đi một mình vì người bạn lặn đưa con đi khám bệnh trong Sài Gòn. Thỉnh thoảng xảy ra trường hợp, dây hơi kẹt trong đá, oxi không đủ, thợ lặn bằng mọi cách trồi lên, kể cả việc tháo vòng thắt lưng chì để lên nhanh. Có trường hợp, do cơ địa, sức khỏe, người lặn bị  vọp bẻ, phải giật dây ống hơi làm hiệu, nhờ người canh máy nổ,  cấp cứu. Cũng có trường hợp vừa trồi lên thì đột quỵ… nói chung không biết đâu mà lường… 

Một cách đánh đổi

Đang lúc chúng tôi trò chuyện, từ đằng xa đi lại mấy anh chàng thanh niên, quần áo sũng nước. Tánh nói, đó là mấy bạn nghề và họ lên ăn trưa. Những thanh niên này ngang qua chỗ chúng tôi, tới con đường nhỏ, rồi từ đó dẫn ra đường lớn, nơi họ giấu xe, cơm trưa trong bụi dương lớn. Một người tên Cường, hỏi Tánh bắt được bao con? Tánh giơ chiếc lọ thủy tinh trong suốt đeo bên hông lên nói, 7 con thôi anh Cường! Có 2 con bông. Cường chậm rãi, vậy khá hơn anh mày rồi. Anh được 3 con, toàn tôm xanh. Mà sao bữa nay sóng dữ quá không biết, ở dưới đá nghe sóng đập ầm ầm trên đầu. Những người thợ lặn như Tấn, làm việc dưới nước không ít hơn 6 giờ/ngày. Mỗi người đều ra  một chỉ tiêu cho mình từ 10-15 tôm hùm giống, quý nhất là tôm hùm bông (sao). Gần chục năm trước, tôm hùm giống sốt, một con tôm hùm sao to bằng đầu đũa, dài hai đốt lóng tay, lên tới 170.000 đồng/con.

Còn hiện nay, tôm bông như Tánh nói, giá 120.000 - 130.000 đồng/con (tùy theo người mua); tăng 20.000 đồng so với đầu năm ngoái. Tôm xanh (đá) 40.000 đồng/con.

Thương lái từ Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, ngày nào cũng dùng xe máy chạy dọc đường 719, ngang qua Đánhảy chờ thợ lăn lên mua tôm hùm giống. Tôm hùm được bỏ trong thùng có  máy sục oxi bằng điện, chuyển nhanh ra các trại tôm hùm ở Khánh Hòa, Bình Định, nuôi trưởng thành, trong khoảng 16 - 18 tháng. Thông thường 1 kg tôm hùm sao trưởng thành (2 con) lúc  được giá nhất trên 2 triệu đồng, gần đây là 1,2 triệu đồng/kg. Tôm hùm xanh khoảng trên 600.000 đồng/kg. Mới đây, tôm hùm con có sự nhích giá. Nếu giá thấp chút ít, bọn cháu vẫn lặn vì bây giờ làm cái gì cũng khó, kể cả thanh long  từng là cây làm giàu cho người Thuận Quý. Tánh kể, nhờ  lặn tôm hùm giống, thu nhập người lặn trong mấy tháng giáp tết khoảng 5 triệu đồng/tháng. Gặp may, có nhiều tôm hùm sao, khoảng 7 triệu đồng.

Những người trẻ lặn biển, bạn của Tánh đã trở lại. Họ ăn vội vàng, chỉ vì muốn có nhiều hơn những con tôm hùm giống đựng trong những chiếc lọ thủy tinh.  Nghề nào cũng vậy, kiếm được đồng tiền chính đáng đều làm việc miệt mài, nhưng xem ra nghề lặn tôm hùm quả là nặng nhọc và nguy hiểm.         

    
    Để bắt tôm   hùm, họ ngậm ống hơi, lặn xuống biển, rồi bật đèn pin soi tìm trong các   khe, hốc đá, nơi tôm con  trú ẩn. Mỗi lần lặn, kéo dài từ mười đến hai   mươi phút.  Gặp hôm nước lạnh, gió to, thời gian lặn ngắn lại. Cứ sau   mỗi lần lặn, họ lên bờ sưởi nắng ít phút, cần thiết  băng lại vết thương   bị đá cắt trong lúc lặn. 

 Hà Thanh Tú


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiếm sống ở “vương quốc” tôm hùm