17 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Toàn tỉnh có 10.339 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống từ tỉnh đến xã. Trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (tháng 5/2024), Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành lập 135 đoàn gồm 1 đoàn tuyến tỉnh, 10 đoàn tuyến huyện và 124 đoàn tuyến xã. Các đoàn thanh kiểm tra 1.702 cơ sở, thì phát hiện 17 cơ sở vi phạm (7 cơ sở vi phạm thuộc tuyến tỉnh và 10 cơ sở vi phạm thuộc tuyến huyện), chiếm tỷ lệ 0,99% so với số cơ sở được kiểm tra, với tổng số tiền phạt 160,5 triệu đồng. Các cơ sở này chủ yếu vi phạm như không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với cơ sở thuộc diện phải cấp giấy; vi phạm về lưu mẫu thực phẩm; vi phạm về điều kiện cơ sở vật chất và điều kiện con người trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đơn cử, Phan Thiết thanh kiểm tra 214 cơ sở trong tổng số 1.875 cơ sở, thì phát hiện 6 cơ sở vi phạm, xử phạt với số tiền 58 triệu đồng. Trong đó, 4 cơ sở vi phạm “kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”; 1 cơ sở vi phạm “không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước”; 1 cơ sở vi phạm “cống rãnh thoát nước thải nhà bếp bị ứ đọng; không được che kín”.
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của Phan Thiết thì trên địa bàn Phan Thiết có nhiều cơ sở, nhưng thời gian kiểm tra có hạn. Vì vậy, số lượng cơ sở được kiểm tra còn thấp so với số lượng cơ sở quản lý trên địa bàn. Loại hình thức ăn đường phố nhiều, đa dạng, hoạt động không ổn định cũng là điều khó khăn trong công tác quản lý và theo dõi. Một số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, nhưng qua kiểm tra thì điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo.
Tập huấn, tuyên truyền và kiểm tra
Qua kiểm tra cho thấy, một số ít cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do tuyến huyện quản lý, chưa thực hiện nghiêm về yêu cầu phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trước khi hoạt động. Các đoàn kiểm tra tuyến huyện hầu như không thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đánh giá chất lượng sản phẩm, giám sát nguy cơ mất an toàn thực phẩm, công tác kiểm tra chủ yếu tập trung vào các điều kiện an toàn thực phẩm và hồ sơ có liên quan. Nhiều cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh chủ yếu hình thức sản xuất, kinh doanh mang tính chất hộ gia đình, nhỏ lẻ, điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị không bảo đảm. Cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố làm thời vụ, không có địa điểm cố định. Điều này dẫn đến gặp khó khăn trong công tác quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật. Đó là chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Tòng - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh.
Để đảm sức khỏe người tiêu dùng, mới đây, Sở Y tế tổ chức tập huấn cho 270 nhà hàng, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng trong khách sạn… không thuộc diện và thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Sở Y tế quản lý. Thông qua đó, các cơ sở này cập nhật thông tin sử dụng nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ; việc thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm; các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh cho biết: Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên theo định kỳ, theo kế hoạch và thực hiện kiểm tra toàn bộ ở 3 cấp quản lý cùng với tuyên truyền. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng cần phải tỉnh táo chọn những sản phẩm thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng những thực phẩm không bị ôi thiu, biến chất, kém chất lượng. Kịp thời phát hiện và tố giác những trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm đến cơ quan chức năng.