Mũi nhọn khai thác hải sản xa bờ
Sản lượng khai thác xếp thứ 3 cả nước
Với ngư trường rộng lớn khoảng 52.000 km2, Bình Thuận có tiềm năng rất lớn về khai thác hải sản. Ngoài ra, Bình Thuận được thiên nhiên ban tặng nguồn lợi thủy sản đa dạng về chủng loại và trữ lượng, riêng cá có trên 500 loài, trong đó có 60 loài có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt do chất lượng nguồn nước tốt, nền nhiệt cao, ổn định là điều kiện quan trọng tạo nên lợi thế phát triển nghề sản xuất giống tôm và hải sản biển của tỉnh. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thủy sản.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, những năm qua, ngành thủy sản tỉnh nhà đã không ngừng phát triển, quy mô sản xuất gia tăng cả về khai thác. Hiện nay, tổng số tàu thuyền toàn tỉnh gần 8.000 chiếc, bình quân công suất đạt 107,6 CV/chiếc, tăng 85,8 CV/chiếc so năm 1992. Trong đó có khoảng 2.000 tàu thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ, làm dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế sản phẩm trên biển. Phần lớn tàu cá đều được trang bị an toàn và ứng dụng trang thiết bị hiện đại, góp phần gia tăng năng lực và hiệu quả khai thác xa bờ, đưa sản lượng khai thác hải sản năm 2021 đạt 225,5 ngàn tấn, tăng 2,9 lần so năm 1992, xếp thứ 3 trên cả nước. Thực hiện chủ trương của tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã kiện toàn và duy trì hoạt động 129 tổ đoàn kết/ 982 thuyền/4.910 lao động và 5 nghiệp đoàn khai thác hải sản. Đây là những mô hình hợp tác giúp đỡ nhau trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản và hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển.
Hiện đại hóa đội tàu xa bờ
Hiện nay, hầu hết các tàu khai thác đã trang bị máy đàm thoại, máy định vị - tầm ngư. Một số nghề như lưới vây, lưới kéo, câu khơi đã được bán cơ giới thay thế dần sức lao động con người. Đặc biệt, trong những năm qua việc ứng dụng kỹ thuật sơ chế và bảo quản sản phẩm trên tàu cá đã mang lại hiệu quả đáng kể cho việc khai thác xa bờ và giúp người lao động tăng thu nhập, cải thiện được đời sống. Trong đó, hiệu quả nhất là mô hình chụp mực 4 tăng gông, đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt sau khi Nghị định 67 của Chính phủ ra đời; công suất máy tàu lớn trên 600CV. Thông qua mô hình, diện tích bao vây đàn cá tăng gấp đôi, năng suất, sản lượng tăng hơn 30%. Hay mô hình ứng dụng máy dò ngang giúp ngư dân tiết kiệm nhiên liệu, năng suất đánh bắt tăng 150 - 180%. Đặc biệt, mô hình đóng hầm bảo quản sản phẩm thủy sản bằng vật liệu polyure- thane, đã được nhân rộng cho toàn bộ đội tàu dịch vụ thu mua, khai thác hải sản trên biển giúp nâng cao giá trị, doanh thu và tăng thu nhập cho người lao động...
Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, có thể thấy sau 30 năm tái lập tỉnh, khai thác thủy sản đã có sự tiến bộ vượt bậc, ngư dân từng bước thay đổi từ nhận thức, phương pháp khai thác, với mục đích chuyển dần từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và bền vững. Từ đó, đời sống của bà con ngư dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn miền biển có nhiều thay đổi, khẳng định vị trí của ngành thủy sản Bình Thuận và góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh nhà.