Khẩn trương hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực thủy sản

26/06/2024, 05:53

Nghị quyết số 52/NQ-CP/2024 ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32- CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Hoàn thiện các quy định pháp luật

Theo đó, trong các tháng đầu của năm 2024, các cấp, ngành nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU. Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU; triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài; điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

thuy-san.jpg
Một trong những mục đích của Nghị quyết số 52 là kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Ảnh: Đình Hòa.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp dài hạn: Khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, chú trọng chính sách nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống, hướng dẫn quản lý lao động nghề cá phù hợp với quy định pháp luật lao động trong nước và quốc tế. Thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững.

Rà soát, nghiên cứu, tham mưu về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với Chi cục trưởng các Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng quản lý nhà nước về thủy sản hoặc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về kiểm ngư theo quy định pháp luật trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo cơ quan chức năng có liên quan đủ thẩm quyền để thực thi pháp luật về thủy sản, chống khai thác IUU.

Tăng cường hợp tác quốc tế về thủy sản

Đầu tư nguồn lực nhà nước, khuyến khích xã hội hóa, hợp tác công tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản. Kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng Kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thủy sản, bảo đảm công cụ, phương tiện cho các lực lượng chấp pháp trên biển thực hiện công tác chống khai thác IUU. Thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; đảm bảo số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thủy sản. Tăng cường hợp tác quốc tế về thủy sản, đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hợp pháp ở ngoài vùng biển Việt Nam; đàm phán, phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước, giải quyết các tranh chấp trên biển; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân khai thác trên biển. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, Điều ước quốc tế về bảo vệ đại dương, môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản. Triển khai thực hiện các quy hoạch, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ngành thủy sản; đảm bảo thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Được biết, hiện nay Bình Thuận tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về IUU. Trong đó Sở Nông nghiệp - PTNT thực hiện tốt trách nhiệm của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh trong tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và thực hiện quy chế phối hợp giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh và các lực lượng chức năng để quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và phát huy hiệu quả hệ thống giám sát hành trình trong giám sát, ngăn chặn tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, thực hiện giám sát tàu cá ra/vào cảng, bốc dỡ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thủy sản và thực thi pháp luật về khai thác IUU theo đúng quy định. Việc xử lý các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp được tăng cường, năm 2023, đã phát hiện và xử phạt 378 vụ vi phạm.

TUẤN KHÔI

Related articles
Hàm Thuận Bắc: Bắt quả tang cơ sở tái chế nhớt thải trái phép
BTO-Để che dấu, các đối tượng đã chọn địa điểm ở khu vực hẻo lánh, xa khu dân cư và đào sâu xuống lòng đất để xây dựng xưởng tái chế.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khẩn trương hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực thủy sản