Khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ Toàn quốc lần thứ XIII: Xác định 5 quan điểm phát triển, có tính định hướng trong công tác Hội

10/03/2022, 05:46

Sáng 10/3, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII chính thức khai mạc. Dự đại hội có 1.000 đại biểu đại diện cho các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trên mọi lĩnh vực, vùng miền, dân tộc, tôn giáo của cả nước. Đoàn đại biểu Bình Thuận gồm 13 người, đại diện cho trên 435.000 phụ nữ toàn tỉnh tham dự.

Với chủ đề “Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước”, đại hội sẽ đánh giá phong trào phụ nữ và hoạt động Hội 5 năm qua, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027.

hinh-trao-qua-ham-can.11.jpg

Đại hội lần này có một số điểm mới như, trong quá trình chuẩn bị, dự thảo Báo cáo chính trị được thảo luận, lấy ý kiến từ đại hội cấp huyện, sớm hơn một cấp so với các nhiệm kỳ trước. Các vấn đề, giải pháp mới đều có các nghiên cứu, chuyên đề triển khai trước khi xây dựng dự thảo văn kiện, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp cho 5 năm tới. Đại hội cũng tổ chức 5 trung tâm thảo luận với các chủ đề về: Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; phụ nữ trong nền kinh tế số; vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; ...

Để chào mừng sự kiện chính trị quan trọng này, cùng với hội viên phụ nữ cả nước, trước đó chị em phụ nữ Bình Thuận đã cùng hướng về đại hội bằng rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Tiêu biểu như triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19; xây dựng các công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo, hiệu quả; phát động “Tuần lễ áo dài”; hưởng ứng trồng cây xanh…

Về phương hướng nhiệm kỳ 2022 - 2027, đại hội xác định 5 quan điểm phát triển, có tính định hướng trong xây dựng toàn bộ phương hướng nhiệm kỳ mới và nhiều năm tiếp theo. Cụ thể: Bám sát, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, căn cứ thực tiễn và yêu cầu của phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới, là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng hoạt động Hội, thực hiện tốt chức năng đại diện, vai trò nòng cốt chính trị trong công tác phụ nữ của tổ chức Hội.

Phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt.

Cùng với đó, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức hội.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện là nhiệm vụ then chốt để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ, có khát vọng cống hiến.                        

THÙY LINH

Related articles
Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án 06).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ Toàn quốc lần thứ XIII: Xác định 5 quan điểm phát triển, có tính định hướng trong công tác Hội