Chỉ còn duy nhất 1 tuyến cáp quang biển hoạt động bình thường
Trong tháng đầu tiên năm 2023, 2 tuyến cáp quang biển IA (còn gọi Liên Á) và APG gặp sự cố gây ảnh hưởng đến lưu lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Đây là 2 trong số 5 tuyến cáp quang biển đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.
4/5 tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố (Ảnh: KT)
Trước đó, cuối năm 2022, 2 tuyến cáp quang biển khác là AAG, AAE-1 cũng gặp sự cố và vẫn chưa khắc phục xong. Như vậy, hiện, 4/5 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng Việt Nam đang khai thác đang cùng gặp sự cố, khiến việc kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế của nhiều thuê bao bị ảnh hưởng.
Theo một số nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) tại Việt Nam, không phải tất cả các nhà mạng đều dùng tuyến IA và APG vừa gặp sự cố, tuy nhiên khi cả 4 tuyến cáp quang biển chính gặp sự cố, có thể có tình trạng lan truyền, do các tuyến gặp sự cố bị ngắt thì lưu lượng sẽ được chuyển sang tuyến khác, làm nghẽn hoặc chậm truy cập internet quốc tế.
Chị Nguyễn Thanh Thủy, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi gặp phải tình trạng internet chậm đến mức này. Tất cả những ứng dụng liên thông quốc tế như mail, youtube, facebook rất khó khăn để truy cập hoặc mất thời gian rất lâu để hoàn thành công việc mình cần. Thật vô cùng phiền phức!”.
Tương tự trên khắp các diễn đàn cũng ghi nhận ý kiến nhiều người than phiền về tốc độ mạng, ảnh hưởng lớn đến công việc và cả sinh hoạt.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), đây là tình huống khá hy hữu và có lẽ là các nhà mạng ít khi tính tới khi phần lớn dung lượng cáp biển đã không còn sử dụng được. Song, ông Bình cho rằng đây là một bài học tốt cho các nhà mạng Việt Nam. Đó là mọi kịch bản xấu nhất đều cần được tính tới và xây dựng các phương án ứng phó.
“Để khắc phục tình hình, các nhà mạng cơ bản chỉ có phương án bù đắp qua các kênh đất liền. Tuy nhiên việc mở ứng cứu sẽ không nhanh được, do phía Trung Quốc cũng nghỉ tết Nguyên đán, hầu hết các mạng lưới đều đóng băng trong thời gian nghỉ Tết nên cũng ảnh hưởng tiến độ ứng cứu của các nhà mạng Việt Nam”, ông Bình cho hay.
Tốc độ internet quá chậm làm ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt của nhiều người dân.
Việt Nam cần thêm ít nhất 2 - 3 tuyến cáp quang biển
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) tại Việt Nam nhận định, tình trạng chập chờn và giảm chất lượng truy cập internet quốc tế cục bộ sẽ còn kéo dài trong vài tuần tới.
Song song với việc thực hiện phương án ứng cứu, những nhà mạng lớn trong nước đang tích cực làm việc với các hệ thống cáp biển, nhà khai thác tàu để xác định nguyên nhân, vị trí xảy ra sự cố và kế hoạch sửa chữa trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, theo kế hoạch Viettel và VNPT công bố, năm 2023 các nhà mạng này sẽ khai thác thêm tuyến cáp quang biển cập bờ Quy Nhơn. Giới chuyên gia đánh giá, nếu các tuyến này hoạt động cố định thì cũng sẽ giải quyết căn bản khả năng dự phòng cho các nhà mạng.
“Theo nhận định chủ quan của chúng tôi, trong 5 năm tới, có lẽ Việt Nam cần thêm ít nhất 2 - 3 tuyến cáp quang biển nữa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Còn nếu kỳ vọng biến Việt Nam thành một trạm trung chuyển của khu vực, thì còn cần nhiều hơn thế. Với tình trạng sự cố các tuyến cáp quang biển ngày càng nhiều và càng dày, nhu cầu bổ sung các tuyến cáp mới càng trở nên cấp bách”, ông Bình nêu rõ.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc cần có thêm các tuyến cáp biển, Việt Nam cũng cần đa dạng các kênh cáp đất liền, đặc biệt qua phía Tây, Tây Nam. Điều này không chỉ là để đáp ứng nhu cầu của người dùng internet, mà còn đáp ứng mức độ an toàn về đảm bảo thông tin liên lạc của Việt Nam với thế giới.
Tại Chỉ thị 01 về định hướng phát triển ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025, ở lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT đã nêu rõ sẽ mở rộng kết nối internet khu vực và quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực.
Trong năm 2023, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là triển khai chương trình thúc đẩy phát triển IDC, điện toán đám mây ở Việt Nam, tuyến cáp quang biển do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, đồng thời thực hiện các biện pháp để đảm bảo chất lượng các tuyến cáp quang biển hiện có.