Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Tánh Linh (1/5/1983 - 1/5/2023): Làm chủ đời sống nông thôn mới

27/04/2023, 05:52

Vì phần lớn đều xuất phát từ dân miền Trung di cư vào với những khó khăn mà ai ai cũng cùng cảm nhận, nên khi khấm khá lên, hầu như người dân vùng Tánh Linh đều có thể thơm thảo cho đi…

Phải có mới cho đi

Với phù sa bồi đắp từ dòng sông La Ngà, vùng đất Tánh Linh vốn màu mỡ đã trở nên trù phú, khi người dân ở đây dốc sức để đổi đời, cho cuộc sống tốt hơn, nhất là khi Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện triển khai phong trào “Đoàn kết sáng tạo”. Ban đầu nghe tên phong trào, người dân cảm thấy như xa lạ với mình quá. Nhưng khi lồng ghép vào các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” rồi các hội, đoàn thể tuyên truyền vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, giải quyết việc làm, bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú thì người dân như lấy đà cho ước muốn lâu nay của bản thân và gia đình. Đó là phải có thu nhập nâng cao đời sống, phải làm giàu chính đáng. Một thời gian sau khi tích cực tuyên truyền phối hợp xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, vận động nhân dân thực hiện vai trò làm chủ để đóng góp nguồn lực xây dựng các mô hình chuyên canh, chuyên vùng, chuyển đổi tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng như tham gia vào các HTX thì kết quả thu về đáng mừng. Một cán bộ của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tánh Linh tâm sự như thế.

tanh-linh-1-.jpg
Đường giao thông ở xã Đức Thuận, Tánh Linh. Ảnh: N. Lân.

Nếu liệt kê tên từng mô hình hay, từng sản phẩm đã xuất hiện và đang trở thành thương hiệu nổi tiếng của Tánh Linh thì có thể kể ra không quá khó. Đó là các mô hình như sản xuất lúa theo phương pháp cải tiến SRI, diện tích 52,5 ha tại xã Bắc Ruộng và Đức Bình; sản xuất lúa hữu cơ của HTX Hưng Thịnh gắn với thương hiệu “Gạo Tánh Linh” (ST 24-25); nuôi cá thát lát tại xã Gia An; trồng cây gió, trồng nấm rơm ở khu phố Chăm; trồng măng ở Măng Tố và Huy Khiêm... đã đem lại hiệu quả cao về kinh tế và góp phần trong giải quyết việc làm tại địa phương, tăng thu nhập cho người dân. Đó là các sản phẩm đã và đang gây dựng thương hiệu, cụ thể là 4 sản phẩm đã được công nhận OCOP như Gạo Đức Lan (OM18) xã Đức Bình, Thịt thỏ sấy gác bếp xã Huy Khiêm... và 6 sản phẩm đang trình phê duyệt. Đồng thời đó cũng xuất hiện các doanh nghiệp, 15 HTX kiểu mới với tổng vốn 11,696 tỷ đồng, tính đến thời điểm này, đã thu hút hàng trăm nông dân là thành viên.

Vì phần lớn đều xuất phát từ dân miền Trung di cư vào với những khó khăn mà ai ai cũng cùng cảm nhận, nên khi khấm khá lên, hầu như người dân vùng Tánh Linh đều có thể thơm thảo cho đi. Kết quả đó cũng phải ghi nhận rằng, nhờ lực lượng cán bộ biết cách vận động, khơi gợi và nhất là công khai dân chủ nên việc hưởng ứng sẻ chia của dân tốt. Điều đó thể hiện qua cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Bằng chứng, năm nào Tánh Linh cũng vận động nguồn quỹ này đạt và vượt kế hoạch đề ra. Như năm 2021, cấp huyện và xã đã vận động được hơn 1,016 tỷ đồng, đạt 156% kế hoạch. Tương tự sang năm 2022, đã vận động được hơn 848 triệu đồng, đạt 130% chỉ tiêu tỉnh giao. Từ nguồn quỹ này, huyện vận động thêm để xây dựng những căn nhà ở cho hộ nghèo, góp phần giúp tiêu chí nhà ở dân cư trong nông thôn mới đạt chuẩn ở 10/12 xã trong huyện. Không chỉ thế, cũng nhờ dân khấm khá mà việc đóng góp xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi, sửa chữa nhà văn hóa, trường học… góp phần cho các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã đạt chuẩn.

Làm chủ xã hội

Điều đáng chú ý, đã qua 12 năm xây dựng nông thôn mới, dù có lúc này, lúc kia nhưng tinh thần đóng góp, sẻ chia của dân và doanh nghiệp ở Tánh Linh vẫn tiếp tục. Điều đó có được một phần nhờ cách thực hiện và nhờ cả quy định mang tính hậu kiểm nên không nơi nào, cán bộ dám làm sai. Đó là việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới cấp xã của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ động triển khai thực hiện trên cơ sở Hướng dẫn liên ngành số 110/HD-MTTQ-PNN&PTNT, ngày 26/3/2019. Như năm 2021, đã tiến hành thẩm tra lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân tại xã Gia An, xã đăng ký về đích nông thôn mới của huyện, với kết quả trên 96% người dân hài lòng. Hay năm 2022, lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của dân Suối Kiết về kết quả xây dựng nông thôn mới đạt đến 99,71%.

tanh-linh-2-.jpg
Gạo Tánh Linh, ST 25 Đức Lan. Ảnh: N. Lân.

Điều đó thể hiện rất rõ quyền làm chủ của nhân dân. Một thể hiện khác thông qua việc giám sát đầu tư các công trình lớn lẫn nhỏ. Tất cả những nơi nào dân đóng góp thì ở đó, dân phát huy quyền làm chủ bằng cách thành lập tổ giám sát việc thực hiện để đạt kết quả như ước muốn. Nổi bật nhất là trong xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện thời gian qua. Theo lời kể một số cán bộ huyện Tánh Linh, có nhiều công trình, nhờ qua giám sát của dân mà đạt được chất lượng cao nhưng chi phí thấp. Họ giám sát rất thành thục qua kiểm tra dự toán so sánh với thực tế làm nên cũng phát hiện trộn vữa bị non xi măng... Hơn thế, có nơi sau khi tính toán so sánh giá cả doanh nghiệp đưa ra, chính người dân quyết định cùng đóng góp, cùng đứng ra làm, chứ không thuê doanh nghiệp nên chi phí càng thấp và đường đi thì đúng ý của chính lòng dân”.

Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tánh Linh cũng cho thấy, trong năm 2021, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, thị trấn đã tổ chức giám sát được 49 công trình ở các lĩnh vực, với tổng số tiền hơn 25,521 tỷ đồng. Trong đó, công trình có vốn của nhân dân đóng góp là 12 công trình với số tiền 2.768 triệu đồng; công trình vốn của Nhà nước là 13 công trình với số tiền 12.171 triệu đồng; vốn nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ là 24 công trình với số tiền hơn 10.581 triệu đồng. Sang năm 2022, số công trình dân giám sát là 36 công trình ở các lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp đường giao thông bê tông nông thôn, giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương thủy lợi, sửa chữa nhà văn hóa, trường học, xây dựng cầu dân sinh, giám sát việc xây dựng nhà tình thương… với tổng số tiền hơn 9,693 tỷ đồng. Qua giám sát các công trình thi công, xây dựng đảm bảo yêu cầu, kết cấu kỹ thuật theo thiết kế, chưa xảy ra sai sót.

tanh-linh-3-.jpg.jpg
Đổ bê tông làm đường nông thôn.

Với những công trình có số tiền hàng tỷ đồng như thế, cho thấy việc làm chủ của dân được phát huy tốt. Không chỉ thế, người dân còn được tham gia vào ban thanh tra nhân dân. Toàn huyện có 13/13 xã, thị trấn có Ban Thanh tra nhân dân với 98 thành viên đủ tiêu chuẩn, đảm bảo về cơ cấu, thành phần và số lượng theo quy định. Ban Thanh tra nhân dân các xã, thị trấn này giám sát các nội dung như bình xét hộ nghèo, chi hỗ trợ chế độ cho người có công, người nghèo... Qua giám sát chưa phát hiện sai phạm.

Đó là những mặt nổi bật. Còn nhiều hoạt động khác trong cuộc sống xã hội như bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội… chính người dân hưởng ứng cũng là thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua đó cho thấy sức dân tại Tánh Linh rất lớn, khi chính gia đình họ đã khấm khá lên, con cái thành đạt.

HẢO CHI

Related articles
Tiếp tục đổi mới công tác dân vận
Trước yêu cầu của tình hình mới, công tác dân vận cần tiếp tục đổi mới nhằm động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục hăng hái thi đua lao động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng.

(0) Comments
Focus

Trao quà Tết cho trẻ em mù – đa khuyết tật
Nhằm chia sẻ những khó khăn cũng như mang lại niềm vui trước thềm năm mới - Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Hội Người mù Bình Thuận vừa có chuyến thăm, tặng quà cho 28 trẻ em mù – đa khuyết tật tại các địa phương Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Tân, TP. Phan Thiết…
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Tánh Linh (1/5/1983 - 1/5/2023): Làm chủ đời sống nông thôn mới