1. Đại hội Đảng bộ các cấp là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Thành công của đại hội Đảng bộ các cấp sẽ tăng thêm sức mạnh đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, là động lực thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên cả nước.
Cùng với việc chuẩn bị công tác nhân sự, thì công tác chuẩn bị cho văn kiện đại hội là một trong những yếu tố cần thiết quyết định sự thành công của đại hội. Vì lẽ đó, việc chuẩn bị các văn kiện cho đại hội phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, có đổi mới trong cách làm, phải bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trong phiên họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng lần thứ nhất tại Hà Nội, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Trong quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, phải gắn kết nhuần nhuyễn việc nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, hình thành đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa trên những trụ cột là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, Văn kiện Đại hội, trong đó có Báo cáo chính trị của Đại hội XIV là sản phẩm của trí tuệ tập thể, là một công trình tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho nên phải phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể và theo đó phải có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; tranh thủ sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo, của giới trí thức, các nhà nghiên cứu, quản lý. Đặc biệt, phải chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế, chắt lọc kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị đặc biệt cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045… Trong quá trình thảo luận, bàn bạc, cần cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, tạo sự thống nhất cao, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó để Báo cáo chính trị phải là báo cáo trung tâm, phải đạt ở tầm quan điểm, đường lối, chủ trương lớn; báo cáo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là báo cáo chuyên đề, bảo đảm không trùng lặp; nhất quán về quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đất nước giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
2. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Thuận đang khẩn trương triển khai các nội dung công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở. Với quan điểm chỉ đạo các văn kiện phục vụ đại hội phải đảm bảo chất lượng và tiến độ đến thời điểm này Bình Thuận đã hoàn thành việc thành lập các tiểu ban, xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030; Đề cương Báo cáo chính trị, Đề cương Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV và các văn bản phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đã chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tại cuộc họp, các thành viên Tiểu ban đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các dự thảo nêu trên. Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung các dự thảo của Tiểu ban Văn kiện, đồng thời đề nghị xây dựng báo cáo chính trị phải nghiên cứu, đánh giá đầy đủ nội dung kết quả nhiệm kỳ 2020 - 2025, phải đảm bảo ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phải có sự đồng bộ; chủ đề Đại hội ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ mang tính hiệu quả cao…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến cụ thể, xác đáng và trách nhiệm của đại biểu dự họp, đồng thời đề nghị Bộ phận giúp việc tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để tham mưu giúp Tiểu ban văn kiện xây dựng các văn kiện bảo đảm chất lượng. Trong đó, lưu ý xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tiến độ và chất lượng, vừa kế thừa kinh nghiệm khóa trước vừa có sự đổi mới. Phần đánh giá phương hướng, kết quả nhiệm kỳ 2025-2030 phải nêu rõ thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen; chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các khâu đột phá phải sát với tình hình thực tế của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Bộ phận giúp việc tiếp thu ý kiến đại biểu dự họp để nghiên cứu, bổ sung xây dựng Đề cương Báo cáo kiểm điểm đảm bảo tiến độ.
Thực tế, qua các nhiệm kỳ đại hội, bên cạnh ưu điểm, công tác xây dựng văn kiện, đại hội vẫn còn có những mặt hạn chế, tồn tại; trong đó còn có hiện tượng cấp ủy địa phương, tổ chức Đảng trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng báo cáo chính trị nặng về hình thức, chưa bảo đảm tính khách quan, trung thực. Những nội dung mang tính định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá chưa sát với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển trong tình hình mới... Để khắc phục những hạn chế trên, hơn lúc nào hết, nhiệm vụ đặt ra đó là các cấp ủy Đảng cần phải xác định rõ tâm thế và trách nhiệm để vào cuộc một cách tích cực trong việc chuẩn bị văn kiện đại hội, từ đó mang lại kết quả tốt nhất.