Hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 - 1/6/2023): Từ làng nghề đến khu công nghiệp

18/04/2023, 05:38

Hàng chục năm nay, cái tên gạch tuynel 37, bởi được sản xuất ở đoạn Km 37 hướng quốc lộ 1A tính từ TP. Phan Thiết vào, hay còn gọi gạch Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam không chỉ dân trong tỉnh mà khách hàng các tỉnh lân cận tìm đến sản phẩm này khi xây cất nhà ở.

Từ “địa lợi” nguồn nguyên liệu đất sét quy hoạch trong khu vực, công nhân lành nghề các lò gạch khéo léo khai thác, pha trộn phù hợp rồi đưa vào dây chuyền công nghệ tuynel sản xuất cho ra những viên gạch màu vàng sậm, cứng cáp, bền lâu, phù hợp kết cấu xây dựng từ nhà ở đến cao ốc.

Từ làng gạch tuynel Tân Lập

Cả hơn 100 nhà mái Thái, biệt thự trải dài 2 bên quốc lộ 1A đoạn qua Hàm Thuận Nam lâu nay như chiếc áo mới khởi sắc vùng đất này. Các gia chủ ở đây cho rằng: “Chúng tôi bỏ ra vài tỷ đồng xây mỗi căn biệt thự, phải chọn gạch tuynel gắn các thương hiệu ở Tân Lập nổi tiếng lâu nay cho phù hợp công trình”. Ở địa phương lân cận Hàm Tân, thị xã La Gi cũng vậy, năm rồi, khi giá đất tăng cao, nhiều hộ dân các xã ven biển ở đây có điều kiện xây nhà mái Thái khang trang, không ít người đã chọn lựa gách tuynel Tân Lập để xây cho ngôi nhà bền lâu, chấp nhận giá vận chuyển cao hơn. Thậm chí vài nơi liền kề khác như các huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), một số người cũng lặn lội tìm ra Tân Lập mua gạch 37 cho ngôi nhà xây bạc tỷ của mình. “Hữu xạ tự nhiên hương” là điều dễ hiểu. Sản phẩm gạch tuynel Tân Lập không ít lần hút hàng trên thị trường, nhất là vào mùa khô cao điểm xây dựng.

sx.jpg.jpg
Sản xuất giày xuất khẩu ở Khu công nghiệp Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam. Ảnh: N. Lân

Nhắc chuyện làng nghề nổi tiếng bây giờ cũng không quên một thời khó nhọc những năm về trước. Khi huyện mới thành lập (1983), ngành nghề tiểu thủ công nghiệp còn non nớt. Làng nghề xã Tân Lập chỉ có 33 lò gạch thủ công; ngoài ra 4 lò máy ép mía, 12 máy xay xát nằm rải rác trong huyện. Lò gạch thủ công bấy giờ theo cách thức sản xuất cũ kỹ, nung lò bằng củi hàng giờ liền, tốn nhiều nguyên liệu đốt, nguy cơ phá rừng trồng, cây khô lấy củi, khói lò lại gây ô nhiễm môi trường. Năng suất, sản lượng, chất lượng khi ấy cũng thấp. Việc ứng dụng nung lò theo phương pháp mới, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường đã được các cấp chính quyền Hàm Thuận Nam tính đến lúc bấy giờ. Từ khi đất nước bước vào đổi mới (1986) như “luồng gió mới” cho huyện nhà, lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam đã có chủ trương phù hợp, sắp xếp lại ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích các lò gạch từng bước đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại, sản xuất gạch tuynel. Chủ trương đúng, kịp thời đã được đông đảo chủ lò hưởng ứng, đầu tư dây chuyền, công nghệ, học hỏi cách thao tác, điều khiển máy móc, cách làm ăn quy mô lớn. Hàng chục lò thủ công dần dần chuyển đổi lên nhà máy sản xuất quy mô hiện đại, mỗi năm sản xuất hơn 2 triệu viên gạch tuynel chất lượng cao. Sản lượng gạch không những đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn huyện, mà còn cung cấp cho nhu cầu xây dựng các huyện trong, ngoài tỉnh. Bên cạnh, các cơ sở khác được cấp giấy phép khai thác hơn 70.000 viên đá chẻ, cát đáp ứng xây dựng nhà ở dân sinh, công trình ở địa phương.

Đi cùng sản xuất vật liệu xây dựng, các cơ sở sửa chữa cơ khí, sản xuất đồ gỗ, kỹ nghệ sắt, bao bì giấy, nhựa plastic được hình thành, số lượng ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân dân huyện nhà. Những năm sau này, cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông, lâm dần dần ra đời dựa trên nguồn nguyên liệu dồi dào của Hàm Thuận Nam, nhất là cây trồng thanh long lợi thế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Có thể kể các sản phẩm như nước ép, si rô thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo, rượu thanh long, nhân hạt điều, rượu đông trùng hạ thảo được nuôi trồng, chế biến. “Vang Khải Hoàn thanh long trắng” của thanh niên khởi nghiệp Nguyễn Tiêu Kha xã Hàm Minh đoạt giải ba cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Các mặt hàng chế biến trên không chỉ góp phần đa dạng sản phẩm địa phương, tăng giá trị sản xuất, xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn tiêu thụ sản lượng thanh long mỗi khi vào vụ thu hoạch.

Đến phát triển khu công nghiệp

Chuyện phát triển tiểu thủ công nghiệp dựa vào nguồn lực, lợi thế góp phần chuyển hướng tích cực phát triển kinh tế những năm qua. Song song đó, Hàm Thuận Nam khai thác tiềm năng, vị trí thuận lợi về giao thông, quy hoạch phát triển công nghiệp. Địa bàn huyện khá rộng lớn (105.838 ha) nằm cửa ngõ phía tây nam TP. Phan Thiết, quốc lộ 1A đi ngang qua dài gần 38 km, cùng hệ thống đường sắt Bắc - Nam trải dài 33,5 km. Trung tâm huyện đến các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ thuận lợi. Đây là “địa lợi” ban đầu để thu hút đầu tư, kể từ khi Đảng bộ, chính quyền Hàm Thuận Nam có quyết sách phù hợp trong lĩnh vực này trong nhiều năm về trước. Đến nay, 2 khu công nghiệp Hàm Kiệm I và Hàm Kiệm II nằm gần quốc lộ 1A, với tổng diện tích gần 535 ha đã được các chủ đầu tư ngoài tỉnh chọn lựa, tập trung vốn xây dựng cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Hai KCN này qua các năm nay đã thu hút được 33 dự án (13 dự án vốn nước ngoài, 20 dự án vốn trong nước), với tổng vốn đăng ký hơn 2.391 tỷ đồng và gần 102 triệu USD, thuê diện tích đất hoạt động 114 ha. Các nhà đầu tư thứ cấp ở đây đã và đang sản xuất, gia công, chế biến nhiều mặt hàng các loại, như giày da, bao bì giấy, sản phẩm từ plastic, thực phẩm, nước mắm không mùi xuất khẩu... tạo việc làm cho đông đảo lao động trẻ trong, ngoài huyện. Như Công ty cổ phần Lavela chi nhánh Bình Thuận (KCN Hàm Kiệm I) thu mua nguồn nguyên liệu nước mắm truyền thống ở Phan Thiết, chế biến nước mắm xuất khẩu sang Nhật Bản… Tính chung, toàn huyện đã có 215 cơ sở, doanh nghiệp, thu hút hơn 7.500 lao động làm việc ở lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản xuất khá đa dạng mặt hàng. Trong khi đó trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện các chủ đầu tư đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy điện mặt trời, 1 nhà máy điện gió, trong tổng số 13 dự án điện năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư.

dsc00431.jpg.jpg
Sản phẩm nước mắm xuất khẩu chế biến tại KCN Hàm Kiệm 1.

Theo đánh giá của UBND huyện Hàm Thuận Nam, qua 40 năm, cơ cấu kinh tế của huyện từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, nghiệp, thủy sản. Đến năm 2022, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng tăng lên 38,7%; dịch vụ tăng lên 27,3%; tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm, nghiệp, thủy sản giảm còn 33,9%. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn huyện năm 2022 (theo giá so sánh) đạt 3.614 tỷ đồng… Chặng đường 40 năm, tổng vốn đầu tư xã hội được huy động trên 17.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5.800 tỷ đồng; tăng bình quân 15%/năm. Trong đó, vốn ngoài nhà nước huy động được 8.600 tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Các nguồn vốn đầu tư này đã góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

THÁI KHOA

Related articles
Long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Bắc Bình (1/6/1983 – 1/6/2023)
Sáng nay, trong không khí hào hùng của Ngày giải phóng quê hương (18/4), hòa cùng không khí phấn khởi của Năm Du lịch quốc gia Bình Thuận – Hội tụ xanh, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Bình long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện (1/6/1983 - 1/6/2023).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 - 1/6/2023): Từ làng nghề đến khu công nghiệp