Hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Bắc Bình (1/6/1983 - 1/6/2023): Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

22/03/2023, 05:54

Bắc Bình là huyện miền núi nằm phía Bắc của tỉnh, gồm có 25 dân tộc cùng chung sống. Quá trình tụ cư xen kẽ cộng với sự đa dạng trong nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc thiểu số (DTTS) đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân.

Văn hóa dân gian vẫn chảy trong cộng đồng

Tháng 3, khi công việc nhà nông đã vãn, nhiều câu lạc bộ, tổ nhóm phụ nữ, thanh niên trong các thôn xóm ở Bắc Bình sau giờ sinh hoạt lại tập trung tập luyện văn nghệ, thi đấu giao lưu thể dục thể thao. Họ là những nghệ nhân không chuyên của những điệu múa Then, múa quạt, múa Chăm… nhưng không kém duyên dáng, nhịp nhàng. Theo các bà, các chị: “Cuộc sống bây giờ đã bớt vất vả hơn, mọi người đều quan tâm đến đời sống tinh thần, hưởng thụ văn hóa. Không chỉ hát cho nhau nghe, múa ở trong cụm dân cư mà thanh âm ấy còn được đưa đi biểu diễn ở các chương trình văn nghệ nhân ngày lễ, tết một cách ý nghĩa”. Với họ đây cũng là một cách làm cụ thể, hiệu quả nhất để quảng bá, gìn giữ nét văn hóa riêng có của dân tộc mình.

img_2363.jpg
img_2357.jpg
Đồng bào dân tộc biểu diễn nhạc cụ truyền thống trong dịp Tết Đầu lúa

Lại nhớ vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, được tham gia cùng bà con các xã Phan Tiến, Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền trong Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Bình mừng Tết Đầu lúa – một nghi lễ truyền thống của đồng bào K’ho, Raglay. Hòa quyện trong hương rượu cần của đêm hội nồng nàn, ấm áp, thắm tình đoàn kết các dân tộc, quan khách cùng với già làng, người có uy tín, nghệ nhân và người dân 4 xã đã được thưởng thức phần trình diễn nghệ thuật đặc sắc mang thanh âm trong trẻo, lạc quan của những người con núi rừng. Ngắm nhìn từng bộ trang phục mà đồng bào mặc trong lao động, sinh hoạt hàng ngày và đi lễ hội. Điểm chung của những trang phục này là hoa văn được dệt, thêu rất công phu, tỉ mỉ với việc phối hợp màu sắc cân đối, đẹp mắt. Điều đó cho thấy dù xã hội hiện đại, sự giao thoa, hòa nhập văn hóa ngày càng mạnh mẽ nhưng giá trị đặc sắc, độc đáo của dân tộc vẫn luôn được những người con K’ho, Raglay nơi đây gìn giữ, trao truyền qua các thế hệ.

Sắc màu văn hóa ấy cũng đang được thể hiện ở các làng Chăm, khi những ngày này, các gia đình đồng bào Chăm bắt đầu đón Tết Ramưwan - Tết cổ truyền quan trọng nhất và mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo (Bàni) trên địa bàn tỉnh. Tết Ramưwan kéo dài một tháng với nhiều nghi lễ nối tiếp nhau như lễ tảo mộ, lễ cúng bái tổ tiên tại nhà và tháng Ramadan cầu nguyện tại chùa, tháp... Đây là sản phẩm văn hóa, tinh thần được hun đúc từ truyền thống tín ngưỡng của cư dân người Chăm, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc. Là dịp để con cháu, những người còn sống nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho làng xóm được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.

Bên cạnh các hoạt động cúng bái truyền thống, viếng chùa, Tết Ramưwan còn có các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, hội thi mang đậm sắc thái người Chăm. Các nam nữ thanh niên Chăm vui tươi và duyên dáng trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu cùng nhau hát, múa đón mừng năm mới.

Giữ mảng màu văn hóa dân tộc

Theo ông Nguyễn Công Lý – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, không chỉ văn hóa phi vật thể mà di sản văn hóa vật thể của các DTTS ở Bắc Bình chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo… mang tính đặc trưng tộc người, tồn tại và phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ tinh thần của cộng đồng từ xa xưa. Những di sản ấy đã và đang được các thế hệ con cháu trong cộng đồng các DTTS nối tiếp nhau gìn giữ, bảo quản, gia cố, trùng tu, bồi đắp tồn tại cho đến ngày nay và góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Hiện nay, nhiều mô hình văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới được nhân rộng và đồng bào DTTS vẫn sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày hay dịp lễ hội. Từ năm 2010, khi Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận (trụ sở đóng tại xã Phan Hiệp) khánh thành và đi vào hoạt động đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trưng bày, tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của người Chăm và Raglay. Trung tâm trở thành nơi tham quan, sinh hoạt truyền thống thường xuyên của cộng đồng địa phương.

Bên cạnh đó, phải kể đến bộ sưu tập Hoàng tộc Chăm đang được lưu giữ tại gia đình hậu duệ của Vương triều Chăm pa là bà Nguyễn Thị Thềm ở xã Phan Thanh, với hơn 100 di vật, cổ vật như vương miện, áo bào của vua và hoàng hậu, kiếm, đồ sinh hoạt bằng sành sứ, trang phục của hoàng tử, công chúa và các đồ dùng hoàng cung khác... phản ánh cuộc sống, sinh hoạt trong cung đình, lễ hội và lễ nghi tôn giáo của vương triều Chămpa ở những thế kỷ trước.

Nhắc đến dân tộc Chăm, không thể không nói đến nghề gốm truyền thống thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp và làng dệt thổ cẩm truyền thống tại 2 xã Phan Hòa, Phan Thanh. Tại đây, nhiều hộ gia đình vẫn giữ nghề và dựa vào nghề trong những lúc nông nhàn.

hs-tim-hieu-van-hoa.jpg
Học sinh tìm hiểu, trải nghiệm nghề làm gốm tại Bắc Bình

Bên cạnh đó, tiếng nói của hầu hết các DTTS ở địa phương hiện đều được bảo lưu. Việc sử dụng tiếng nói dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày tại các cộng đồng người dân tộc thiểu số vẫn diễn ra thường xuyên tại gia đình, trong cộng đồng. Do đồng bào người dân tộc thiểu số thường sống tập trung trong những thôn, xã nhất định, việc trao đổi giao tiếp để bảo lưu tiếng nói trong cộng đồng người dân tộc nhờ đó được đẩy mạnh, phát huy một cách tự nhiên. Tuy nhiên, về chữ viết thì chỉ có một số ít dân tộc thiểu số duy trì, sử dụng trong cuộc sống và sinh hoạt thường ngày như Hoa, Tày, Nùng, Chăm. Vì thế, địa phương đã chú trọng đến việc mở các lớp dạy chữ cho học sinh và người dân có nhu cầu…

Giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc chính là nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Rồi đây khi tuyến đường du lịch kết nối điểm Bàu Trắng với Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận được khai thác triệt để, cùng với sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện của huyện Bắc Bình trong giữ gìn nét văn hóa truyền thống thì các giá trị di sản văn hóa sẽ tạo thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển nghề truyền thống… làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, cải thiện thu nhập cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Hiện nay, nhiều mô hình văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới được nhân rộng và đồng bào DTTS vẫn sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày hay dịp lễ hội.

THÙY LINH

Related articles
Giúp học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
BTO- Trước sự giao thoa về văn hóa như hiện nay, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cũng đặt ra nhiều thách thức. Đó là sự du nhập của những dạng văn hóa không phù hợp với truyền thống dân tộc mà đối tượng dễ ảnh hưởng nhất là giới trẻ.

(0) Comments
Focus
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận:
Đề nghị xem xét bố trí ga Phan Rí tại huyện Bắc Bình là ga lưỡng dụng
BTO-Sáng nay 13/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận các nội dung: Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Bắc Bình (1/6/1983 - 1/6/2023): Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc