Nặng lòng với văn hóa dân tộc mình

11/05/2018, 08:32

BT- Ông Sử Văn Ngọc là người đam mê nghiên cứu văn hóa đồng bào Chăm và đồng bào Raglay khu vực Nam Trung bộ. Ông đã xuất bản 16 đầu sách và hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, đóng góp vào việc bảo tồn, phát triển văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.

                
Ông Sử Văn Ngọc đam mê nghiên cứu văn hóa    dân gian.

Thời trai trẻ, ông Sử Văn Ngọc đã vượt lên hoàn cảnh nghèo khó,  để tốt nghiệp ngành điều dưỡng viên tại Huế. Sau khi ra trường, ông trở về Ninh Thuận làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Trong một lần họp mặt tộc họ, ông nghe một người cao tuổi là ông Trượng Thất đọc hai câu thơ của đồng bào Chăm: “Đời này lắm đá tảng, không có ngọc. Dân tộc Chăm ta lúa ít, cỏ nhiều”. Ông chợt “ngộ” ra là văn hóa dân gian Chăm đang bị mai một cần có người sưu tầm, gìn giữ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông bàn với vợ quyết định xin nghỉ việc về nhà chuyên tâm học tập, nghiên cứu văn hóa dân gian Chăm. Buổi đầu , ông mua  vở học trò nhờ lão nông Trượng Thất dạy học chữ Chăm. Ông tiếp tục đọc sách “Em học chữ Chăm” của Học giả Thiên Sanh Cảnh. Nhờ sách hướng dẫn dễ học dễ hiểu, ông Ngọc nhanh chóng biết đọc, biết viết chữ Chăm. Có vốn liếng chữ Chăm, ông bắt đầu nghiên cứu phong tục, tập quán của dân tộc mình. Vào thời điểm này, ông gặp Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên đến Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận ngày nay) nghiên cứu văn hóa dân gian Chăm.

Nhờ đức tính làm việc cần mẫn, thận trọng, vui sống chân thành nên ông được Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên thương quý, tin yêu mời làm cộng tác viên nghiên cứu văn hóa. Ông nhớ mãi kỷ niệm tác phẩm đầu tay được đăng trên kỷ yếu Dân tộc học năm 1978 là bài ”Đám ma của người Chăm Bàlamôn ở Thuận Hải”. Đây là hạnh phúc lớn lao của ông trong buổi đầu làm công tác nghiên cứu có bài đăng trên tạp chí văn hóa có uy tín,  tạo động lực cho ông tiếp tục theo học chữ Chăm với học giả Thiên Sanh Cảnh và cộng tác với ông Nguyễn Hải Liên nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian của đồng bào Chăm và đồng bào Raglay trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

“Tròn 40 năm dồn sức tập trung nghiên cứu văn hóa dân gian, tôi được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng nhiều giải thưởng và các nhà xuất bản in ấn 16 đầu sách. Trong đó có thể kể tới các tập sách như: Truyện cổ dân gian Chăm - Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc năm 2000; Hệ thống thủy lợi và lễ nghi nông nghiệp cổ truyền Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận - Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc năm 2002; Sử thi Sa Ea - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 2009; Nghi lễ cuộc đời của người Chăm, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc năm 2011... Còn sức khỏe là tôi còn đi điền dã sưu tầm viết về văn hóa đồng bào Chăm, đồng bào Raglai trên vùng đất hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận yêu thương”, ông Sử Văn Ngọc chia sẻ.

Thái Sơn Ngọc


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nặng lòng với văn hóa dân tộc mình