Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận một số nội dung về dự thảo báo cáo chính trị tại đại hội, dự thảo Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam như việc bổ sung nội dung về hội viên danh dự, hội viên là nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động (CNVCLĐ) và nữ thanh niên, tổ chức thành viên, tổ chức Hội cơ sở; tham gia, góp ý những nội dung liên quan đến nữ công nhân viên chức lao động và lồng ghép hoạt động của hội phụ nữ vào hoạt động nữ công công đoàn; tài chính của Hội (Điều 24); hội viên danh dự (Điều 3)...
Hội thảo cũng nhận được những đề xuất từ LĐLĐ các tỉnh, thành như cần mở rộng đối tượng thành lập hội phụ nữ ở khu dân cư, khu nhà trọ, chứ không ghi chung chung (Hội cơ sở đặc thù). Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ và công đoàn cần tiếp tục phối hợp tổ chức nghiên cứu, bổ sung, tham gia góp ý về những vấn đề trực tiếp, liên quan đến lao động nữ như tuổi nghỉ hưu, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhà trẻ, mẫu giáo, phòng vắt trữ sữa ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp, trên địa bàn dân cư có đông lao động nữ cư trú. Làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho giới nữ, quan tâm đến con của CNVCLĐ, trong đó có các cháu có cha mẹ qua đời do dịch Covid-19. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN triển khai có hiệu quả các nghị quyết, các phong trào thi đua nhằm bảo vệ và chăm lo tốt hơn đời sống của nữ CNVCLĐ...
Kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đánh giá cao thành tích hoạt động nữ công công đoàn và phong trào nữ CNVCLĐ trong 5 năm qua. Đồng thời gợi mở cán bộ hội phụ nữ và cán bộ công đoàn các cấp cần quan tâm thiết thực đến hạnh phúc của lao động nữ; chăm lo đời sống của lao động nữ; con nữ CNVCLĐ, đặc biệt quan tâm đến lao động nữ di cư, có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao vị thế của lao động nữ trong xã hội...
Thục Anh