Trung bình thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ của doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn Bình Thuận kéo dài 10 - 12 ngày, bắt đầu từ 25/1 kéo dài đến 7/2/2025. Dịp này, nhiều doanh nghiệp còn kết hợp bố trí giải quyết phép năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động có đủ thời gian về quê vui Xuân, đón Tết sum vầy bên gia đình… Sau Tết đến ngày 7/2/2025 (tức mùng 10 Tết Ất Tỵ), tại các KCN Bình Thuận có trên 95% trong tổng số hơn 10.000 công nhân đã trở lại doanh nghiệp làm việc.
Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, mặc dù tình hình sản xuất - kinh doanh còn gặp khó khăn nhưng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua các doanh nghiệp cũng thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho người lao động. Như đã thực hiện đầy đủ việc chi trả lương và thưởng Tết với mức bình quân từ 1 tháng lương trở lên (khoảng 7,2 triệu đồng/người), cao hơn 7 - 8% so tết năm ngoái. Trong đó không ít doanh nghiệp thưởng tết cho công nhân, người lao động cao hơn mức bình quân chung là từ 10 triệu đồng/người trở lên. Cá biệt có doanh nghiệp FDI thưởng tết cao nhất dành cho các chuyên gia người nước ngoài đang làm việc tại KCN với mức 120 triệu đồng/người. Còn doanh nghiệp trong nước tại các KCN Bình Thuận cũng có trường hợp thông báo mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 45 triệu đồng/người…
Ngoài mức thưởng Tết Nguyên đán, nhiều công nhân làm việc trong KCN có hoàn cảnh khó khăn còn được Liên đoàn Lao động tỉnh, các cấp công đoàn hỗ trợ, trao tặng quà vào dịp này. Đây thực sự là nguồn khích lệ tinh thần, động viên người lao động phấn khởi trở lại làm việc ngay sau Tết Ất Tỵ, qua đó gắn bó hơn và đồng hành cùng doanh nghiệp quyết tâm hoàn thành vượt các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2025 đã đề ra… Được biết với thêm 2 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, tính đến cuối năm ngoái tại các KCN Bình Thuận có 65/89 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực chính thức tham gia sản xuất - kinh doanh (bao gồm 21 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 44 dự án có vốn trong nước).
Thực tế cho thấy, tình hình hoạt động của doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN diễn biến khá ổn định, nhất là với một số ngành hàng chủ lực như: Giày dép, may mặc, túi xách, hạt điều, thủy hải sản, thực phẩm, gỗ, cơ khí, khoáng sản, nhóm ngành hàng thương mại và dịch vụ (gas, bia, nước giải khát, buôn bán và sửa chữa ô tô...). Khép lại năm 2024, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận ghi nhận tất cả các chỉ tiêu cơ bản đều được triển khai thực hiện đạt kết quả với mức tăng khá so năm trước đó. Cụ thể là doanh thu đạt 9.450 tỷ đồng (tăng 8,6%), đóng góp kim ngạch xuất khẩu cho địa phương khoảng 250 triệu USD (tăng 59%), nộp ngân sách đạt 255 tỷ đồng (tăng 59,3%)…
Bước sang năm mới, tình hình sản xuất - kinh doanh tại các KCN Bình Thuận cũng được kỳ vọng thêm khởi sắc khi doanh nghiệp ký được đơn hàng và tiếp tục duy trì hoạt động ổn định. Ngay trong tháng đầu năm 2025, kết quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nơi đây đã cho thấy tín hiệu khả quan như về doanh thu ước đạt 850 tỷ đồng (tăng 8,5% so cùng kỳ năm ngoái), kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 22 triệu USD (tăng gần 11%) và nộp ngân sách 18 tỷ đồng (tăng 20%). Và với hoạt động sau Tết Ất Tỵ - tức từ đầu tháng 2/2025 đã bình thường trở lại, hầu hết doanh nghiệp nơi đây đều nỗ lực hướng tới tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, đưa sản xuất - kinh doanh từng bước phát triển bền vững.
Đối với Ban Quản lý các KCN Bình Thuận sẽ tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng KCN, qua đó đáp ứng điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả. Đồng thời tăng cường đối thoại định kỳ với doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết hoặc kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở ngành, địa phương liên quan tham mưu xem xét giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc nhằm giúp các dự án thứ cấp sớm đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó còn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để góp phần thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra trong năm nay…