Đây là một trò chơi trên mạng ảo mà khi tham gia “Thử thách cá voi xanh”, trong vòng 50 ngày, người chơi sẽ phải làm theo những nhiệm vụ mà những “người quản lý” trò chơi này đưa ra, với mức độ từ dễ đến khó theo thời gian. Ban đầu, những thử thách chỉ đơn giản như vẽ hình một chú cá voi xanh, trò chuyện với người cùng tham gia thử thách, nghe một bản nhạc mà “người quản lý” gửi tới. Về sau, mức độ thử thách tăng dần như xem phim kinh dị, ra nghĩa địa lúc nửa đêm, thậm chí sử dụng dao lam để rạch và tạo hình cá voi trên cơ thể mình... Sau khi hoàn thành, tất cả các thử thách này đều phải được chụp ảnh và báo cáo với “người quản lý”. Đỉnh điểm của trò chơi là vào ngày thứ 50, người chơi nào tự kết liễu đời mình thì được coi là giành chiến thắng.
Có vài lý do khiến giới trẻ nhanh chóng bị cuốn vào trò chơi nguy hiểm này đều bắt nguồn từ điểm chung của lứa tuổi vị thành niên, dễ bị “cám dỗ”. Nắm được điều này, các đối tượng khéo léo tạo nên trò chơi thú vị có tên “Cá voi xanh” - nơi có những người chủ trì bí ẩn. Khi tham gia các thử thách khiến người trẻ cảm giác mình rất mạnh mẽ và được công nhận.
Việc thử thách tăng dần độ khó, khiến cho khả năng nhận thức, phản kháng tâm lý của nạn nhân giảm dần. Ngoài mắc các vấn đề tâm lý, số ít còn lại bị giữ chân bởi luật chơi. Nhiều thành viên cho biết họ không thể thoát ra khỏi thử thách “đoạt mạng” bởi những lời de dọa, thách thức từ người chủ trì.
Không phải bất cứ ai cũng có thể tham gia “Thử thách cá voi xanh”. Thành viên mới muốn tham gia cũng phải được giới thiệu bởi một người đang chơi và thông qua sự chấp thuận của người đứng đầu. Trong suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ, kẻ cầm đầu thường trò chuyện với người chơi qua mạng xã hội hoặc đôi khi thực hiện cuộc gọi video để tạo dựng niềm tin, dần dần nắm bắt tâm lý dẫn dắt họ hoàn thành hết các nhiệm vụ. Thậm chí, những kẻ này còn tổ chức các hoạt động mang tính tập thể để các thành viên chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, đồng thời khuyến khích những người mới tham gia thử thách. Trong trường hợp không thể dùng lời lẽ “ngon ngọt” để dụ dỗ người chơi hoàn thành thử thách, kẻ quản lý sẽ chuyển sang biện pháp đe dọa gây hại tới chính người chơi và những người thân xung quanh họ.
Theo tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống tự tử - cảnh báo: “Cha mẹ cần theo dõi con để kịp thời phát hiện biểu hiện bất thường. Trẻ em thường không biết về những “kẻ săn mồi trực tuyến” sẽ lôi chúng vào bi kịch. Chúng tôi muốn khuyến khích phụ huynh nói chuyện với con cái của họ về cách bảo vệ bản thân an toàn khi sử dụng Internet”.
Do đó, Công an thị xã La Gi phát thông báo đề nghị Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thị xã cho phát thanh tuyên truyền để người dân được biết, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn thị xã. Các bậc cha mẹ, cần gần gũi, quan tâm và nâng cao nhận thức về sức khỏe, tâm lý của các con trong tuổi vị thành niên, tránh trường hợp các con tham gia vào những trò chơi độc hại trên mạng xã hội.