Thiếu nước sạch sinh hoạt
Hàm Thuận Nam nói riêng và Bình Thuận nói chung thuộc khu vực hạn hán nhất nhì cả nước. Trong thời gian qua, tình hình khô hạn trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn ra gay gắt, dẫn tới nhiều sông, suối và công trình thủy lợi đều bị cạn kiệt. Điều này dẫn đến hầu hết công trình cấp nước sạch trên địa bàn bị giảm công suất khai thác, trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân khu vực nông thôn ngày càng tăng cao. Một số khu vực khô hạn người dân không có nguồn nước sạch sử dụng, phải mua nước với giá cao. Những hộ dân không có điều kiện mua nước, phải sử dụng nguồn nước tại chỗ, khó đảm bảo được tính an toàn về chất lượng do luôn tiềm ẩn các chất độc hại đối với sức khỏe con người. Vì vậy, sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung sẽ đảm bảo nguồn nước sử dụng hàng ngày được an toàn, nồng độ các chất độc hại luôn được kiểm soát ở mức thấp hơn mức cho phép tối đa. Từ đó giảm tỷ lệ mắc các loại bệnh tật liên quan đến nguồn nước.
Theo ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận, trong những năm qua, từ nguồn vốn Trung ương, địa phương, các nhà tài trợ, quốc tế và các thành phần kinh tế, đến nay toàn tỉnh Bình Thuận đã có 71 công trình cấp nước tập trung, cung cấp nước sạch cho 85 xã, 12 thị trấn và 19 phường trên toàn tỉnh với tổng công suất thiết kế là 245.670 m3/ngày, cung cấp nước sạch cho 219.847 hộ, chiếm tỷ lệ 68,11% dân số toàn tỉnh. Riêng khu vực nông thôn có 66 công trình cấp nước với tổng công suất thiết kế 112.550 m3/ngày đêm, cung cấp nước máy cho 118.596 hộ, chiếm tỷ lệ 60% dân số nông thôn toàn tỉnh. Qua đó đã giải quyết cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và các nhu cầu khác, tạo điều kiện cải thiện tình trạng sức khỏe, hạn chế dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân nông thôn.
Công trình ý nghĩa
Bên cạnh những kết quả ấy, thực tế hiện nay nguồn vốn đầu tư công trình cấp nước vẫn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu về đầu tư mới và nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước hiện có. Vì vậy, việc huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, từ các nguồn tài trợ của các Tổ chức là một trong những chủ trương được UBND tỉnh chú trọng và quan tâm.
Ông Trần Văn Liêm - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh (chủ đầu tư) cho biết, hệ thống nước Ba Bàu là công trình được Trung tâm tiếp nhận từ Ban Quản lý dự án đầu tư công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn. Công trình được đầu tư từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn vốn vay Ngân hàng thế giới với công suất thiết kế 1.500 m3/ngày, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2021. Tuy nhiên, hệ thống chỉ đủ cung cấp nguồn nước sạch cho người dân khu vực xã Hàm Thạnh và Mương Mán...
Để có thể cấp nước sạch cho khu vực các xã lân cận như Hàm Cần, Hàm Mỹ, Hàm Cường… Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống nước Ba Bàu, xã Hàm Thạnh với tổng mức đầu tư là 5,992 tỷ đồng; quy mô đầu tư của dự án là bổ sung thêm cụm xử lý 2.500 m3/ngày- đêm và bể chứa nước sạch dung tích 500 m3. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách tỉnh hạn chế, nên việc lồng ghép, huy động các nguồn vốn khác là hết sức cần thiết. Vì thế, ngày 30/3/ 2024, Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai đã thống nhất vận động tài trợ giúp tỉnh Bình Thuận khoản kinh phí 3 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng công trình Hệ thống nước Ba Bàu. Với sự hỗ trợ của Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai, công trình đã được khởi công vào tháng 1/2024 và hoàn thành trong tháng 7/2024. Sau khi bàn giao đưa vào sử dụng, hệ thống nước Ba Bàu sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân. Đồng thời, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh sẽ tăng cường quản lý, vận hành, đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn, phát huy hiệu quả đầu tư để cấp nước sạch cho bà con tại địa bàn...