Chung tay chăm lo đời sống cho các đối tượng
Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hàm Thuận Nam đã hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát các đối tượng yếu thế và thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống của các đối tượng. Trên cơ sở đó triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lập hồ sơ bổ sung danh sách đối tượng bảo trợ mới phát sinh hoặc ngừng trợ cấp với những trường hợp không còn trong diện bảo trợ xã hội.
Hàm Mỹ là địa phương có số đối tượng nhận trợ giúp xã hội thường xuyên cao nhất huyện Hàm Thuận Nam, với 761 người. Trong đó, nhiều nhất là nhóm người khuyết tật nặng từ 16 – 60 tuổi 148 trường hợp; người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng 212 trường hợp; người khuyết tật đặt biệt nặng được nuôi dưỡng trực tiếp, chăm sóc 111 trường hợp…
Ông Võ Ngọc Chương – Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ cho biết: Ngoài việc thực hiện tốt công tác quản lý đối tượng, địa phương đã tập trung tuyên truyền pháp luật, các chế độ, chính sách liên quan để người thân và những người trực tiếp thụ hưởng biết, đối chiếu với quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình. Ngoài ra còn cung cấp kiến thức, kỹ năng quản lý, chăm sóc các đối tượng nhận nuôi dưỡng tại gia đình. Hiện công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng đều qua bưu điện và nhận được sự ủng hộ của người thụ hưởng, bởi tính minh bạch trong công tác tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, thông qua các tổ chức đoàn thể, nhiều hộ trên địa bàn xã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên. Tiêu biểu như hộ gia đình chị Đặng Thị Bích Thủy (thôn Phú Hưng), có hai con khuyết tật nặng. Hàng tháng đều phải đưa con vào TP. Hồ Chí Minh khám bệnh, chi phí điều trị và tiền thuốc cao, trong khi kinh tế gia đình khó khăn. Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2022 chị đã được vay để sửa lại quán tạp hóa. Từ đó gia đình có nơi sinh hoạt rộng rãi và buôn bán ổn định để chăm sóc con bệnh tật.
Mặc dù đối tượng hỗ trợ hàng tháng nhiều, trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế, nhưng vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Quốc tế Thiếu nhi, UBND xã Hàm Mỹ đều nỗ lực vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn quan tâm tặng quà cho trẻ em, người nghèo. Với người cao tuổi, cán bộ phụ trách văn hóa – xã hội, cán bộ Mặt trận thôn thường xuyên tới thăm, trò chuyện, động viên về mặt tinh thần.
Thực hiện tốt chính sách
Tính đến tháng 10/2024, huyện Hàm Thuận Nam có tổng số 3.661 đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, với kinh phí trên 2,7 tỷ đồng. Trong đó, nhóm trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng 23 trường hợp, người từ 16 đến 22 tuổi đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học 8 trường hợp; người đơn thân nghèo, cận nghèo đang nuôi con 33 trường hợp; cao nhất là nhóm khuyết tật với 1.601 trường hợp và người cao tuổi 1.449 trường hợp.
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các quy định về phê duyệt đối tượng hưởng trợ cấp; việc quản lý đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn chặt chẽ, bao gồm đối tượng trợ cấp thường xuyên và đột xuất; theo dõi sự biến động tăng, giảm của đối tượng; phối hợp với bưu điện thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Bên cạnh chính sách của Nhà nước dành cho đối tượng bảo trợ xã hội, huyện còn đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động nhân đạo, từ thiện nhằm huy động thêm nguồn lực chăm lo cho đối tượng yếu thế. Cụ thể nhất là những món quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Quốc tế thiếu nhi… để các trường hợp này phấn khởi, đầy đủ về vật chất và tinh thần.
Trong thời gian tới, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các chương trình, chính sách trợ giúp thường xuyên, đột xuất đối với các đối tượng yếu thế. Tiếp tục phối hợp tuyên truyền, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Phát huy sự quan tâm và chăm sóc của cộng đồng, xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt. Triển khai các chương trình, kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân…