Sức hút sau khi có cao tốc
Kể từ cuối tháng 4/2023 khi cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết chính thức thông xe và sau đó là cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đưa vào sử dụng đã cho thấy sức hút kinh tế du lịch biển càng mạnh mẽ. Không chỉ vào dịp lễ, ngày cuối tuần, giờ thì TP. Phan Thiết hầu như ngày nào cũng đông khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm. Vì thế, với một bộ phận không nhỏ du khách từ TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh Đông Nam bộ ra, thay vì xuống nút giao cuối cùng tại xã Hàm Kiệm rồi rẽ trái để đến trung tâm du lịch TP. Phan Thiết, thì họ lại chọn phương án theo đường ĐT 719B xuống các khu du lịch ở Thuận Quý, Tân Thuận hay ngược lên điểm du lịch tâm linh núi Tà Cú để tìm sự yên tĩnh.
Mà không chỉ tuyến đường này, bây giờ tuyến ĐT 719 cũng đã được nâng cấp, mở rộng tạo ra mạch nối thông suốt liền mạch các khu vực ven biển, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của huyện. Ngay cả hạ tầng thông tin di động ở Hàm Thuận Nam cũng được đầu tư phát triển mạnh, sóng di động phủ đến tất cả các khu du lịch, cung cấp tốt truy cập Internet tốc độ cao, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, người dân và du khách.
Đặc biệt, trước sức hấp dẫn của giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, Hàm Thuận Nam thật biết tận dụng lợi thế và chiều lòng người, khi rất nhiều năm rồi luôn chọn địa chỉ núi Tà Cú làm nơi tổ chức giải leo núi vào dịp đầu xuân và giải đua xe đạp mở rộng vào tháng 5. Trong đó, tại Hội thi leo núi Tà Cú lần thứ 25 đã thu hút 337 vận động viên chuyên và không chuyên thuộc 42 đoàn của 8 tỉnh, thành khu vực Tây nguyên, miền Trung, Đông Nam bộ tham gia. Còn Giải đua xe đạp vòng quanh núi Tà Cú cũng thu hút 120 vận động viên với chặng đường thi đấu dài 41 km ở 2 nội dung: Hệ mở rộng và hệ phong trào.
Chính những giải thể thao truyền thống ấy phần nào đưa ngành du lịch địa phương “tăng tốc”, khi 9 tháng đầu năm, Hàm Thuận Nam đón gần 160.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú, doanh thu ước đạt 72,5 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 5.450 lượt khách và 22,5 tỷ đồng doanh thu.
Cơ hội mở ra cho du lịch nông nghiệp
Du lịch biển và du lịch tâm linh đã bước đầu khẳng định thương hiệu, vì thế sau “cú hích” từ Năm du lịch quốc gia “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, Hàm Thuận Nam đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư loại hình du lịch thể thao biển, vui chơi, giải trí và phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc phù hợp với lợi thế tự nhiên. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nhà vườn kết hợp quảng bá các sản phẩm tại địa phương. Tận dụng lợi thế là vùng trồng thanh long lớn nhất tỉnh, với gần 14.000 ha, huyện đang chú ý khai thác những mô hình trang trại, hợp tác xã thanh long lớn phù hợp cho loại hình du lịch nông nghiệp khám phá, trải nghiệm… Hướng đi này góp phần chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa ngành.
Trong đó, sau điểm tham quan vườn thanh long của ông Nguyễn Văn Chín (thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ) đã đưa vào khai thác từ năm 2019, rồi vườn trái cây của ông Nguyễn Thanh Trúc (thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh) thì trang trại nông nghiệp công nghệ cao Bình An (xã Thuận Quý), chủ lực là nho và dưa lưới hữu cơ là “làn gió” mới, làm phong phú, đa dạng thêm mô hình du lịch.
Hiện UBND huyện đang chỉ đạo các phòng, ban tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phát triển du lịch nông thôn. Đồng thời đánh giá thực trạng và nguồn nhân lực du lịch nông thôn để có hướng phát triển, đào tạo. Cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ mạng lưới điểm du lịch nông thôn và triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới…
Với việc kết nối các hoạt động du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng biển và du lịch nhà vườn, huyện Hàm Thuận Nam sẽ tạo nên một “tour” du lịch đặc trưng, thu hút du khách. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân.