Góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo

05/01/2024, 05:30

Gần 30 năm gắn bó với công tác dân số ở khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, K’ ho, Raglai, Mường, Thái… bà Triệu Thị Linh (SN 1958), dân tộc Nùng đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con trong việc sinh đẻ có kế hoạch, nhờ vậy đã góp phần vào công tác giảm nghèo của người dân nơi đây.

Bà Linh cho biết, khu phố Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh thuộc khu phố đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Toàn khu phố có 802 hộ/3.402 khẩu. Bản thân là một cộng tác viên dân số và hiện đang quản lý trên 230 hộ, với gần 1.000 nhân khẩu, hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số.

ba-linh-hop-truyen-dat-van-dong.jpg

Theo bà Linh, làm công tác dân số tưởng như đơn giản nhưng không phải vậy mà phải mưa dầm thấm lâu. Trước hết, không chỉ bản thân mình mà gia đình mình phải thật sự gương mẫu, đi đầu; phải sâu sát, gần dân, nghe dân nói, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của dân, từ đó mới đưa ra cách tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân sao cho phù hợp để giúp người dân, nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thấy rõ việc sinh đủ hai con để nuôi dạy cho tốt là việc cần thiết. Trong các cuộc họp khu phố, buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ, bà đã mạnh dạn lồng ghép trao đổi các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các biện pháp tránh thai, hướng dẫn chị em đến trạm y tế thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Đề xuất cấp trên cho chị em tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm, từ đó bà con có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, vận động chị em mỗi tối tập trung tham gia văn nghệ như tập nhảy dân vũ, tập ca hát... tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, từ đó chị em phấn khởi và hiểu chỉ có sinh đủ 2 con mới có điều kiện làm kinh tế, thoát nghèo vươn lên khá giả, có thời gian tham gia các hoạt động ở cộng đồng. Ngoài ra, còn tư vấn cho chị em thấy được chỉ có sức khỏe thì bản thân mình mới gánh vác được gia đình và nuôi dạy con cái, làm kinh tế bằng chị, bằng em, không để cái đói, cái nghèo đeo bám; quan tâm đến việc ăn uống điều độ, đầy đủ chất, phải thường xuyên khám bệnh để phát hiện và điều trị kịp thời và đặc biệt là sinh đẻ có kế hoạch thì mới đảm bảo sức khỏe. Đến nay, chị em phụ nữ ở khu phố Tân Thành ai nấy cũng thoải mái về mặt tinh thần, có thời gian làm đẹp cho bản thân hơn, có điều kiện để phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương.

ba-linh-nguoi-om-bo-hoa.jpg

Với tinh thần và nhiệt huyết gần 30 năm qua, bà Triệu Thị Linh đã cùng với địa phương cố gắng gần gũi và cung cấp những thông tin cần thiết, những biện pháp kế hoạch hóa gia đình đến với chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Niềm vui mà bà nhận được đó chính là bà con đã nhận thức sâu sắc về việc sinh đẻ có kế hoạch; hơn 75% chị em phụ nữ thực hiện áp dụng biện pháp tránh thai; hầu hết mỗi gia đình ở khu phố Tân Thành đều sinh đủ 2 con, nuôi dạy tốt hơn, kinh tế phát triển, số hộ nghèo đã giảm đáng kể.

NGỌC KHÁNH

Related articles
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp cùng Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng cơ bản nghiệp vụ công tác Hội dành cho chủ tịch, nguồn chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở năm 2023 tại Bình Thuận.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo