Giải bài toán thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật .Bài 2:

16/11/2023, 05:39

Bài 2: Cần thiết có những quy định đặc thù

Hiện nay, sự hiểu biết của thanh, thiếu niên về những quy định pháp luật có liên quan đến mình đã được nâng lên. Trong đó, có những đối tượng lợi dụng điều này để xúi giục, lôi kéo trẻ vị thành niên phạm tội. Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng hung khí đã làm người dân bất an, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Manh động và nguy hiểm hơn

Thời gian vừa qua đã xuất hiện những thiếu niên hư hỏng, lợi dụng sự nhân đạo của pháp luật để vi phạm pháp luật. Minh chứng rõ nhất là tình trạng các thanh, thiếu niên sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn. Rất nhiều trường hợp tham gia các vụ hỗn chiến là thiếu niên dưới 16 tuổi. Thậm chí có nhiều trường hợp các em đang bị điều tra ở vụ án này lại mang hung khí tham gia đánh nhau ở một vụ việc khác. Sự việc em T.K.T (SN 22/3/2009, ngụ xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc), lần thứ 4 trộm xe ô tô, khiến dư luận đặt câu hỏi về các quy định của pháp luật. T đã bị cơ quan chức năng huyện Hàm Thuận Bắc khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi trộm cắp tài sản. Tuy nhiên T mới 15 tuổi nên theo quy định cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp cho tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú. Lợi dụng điều này, ngày 16/9, T lại tiếp tục trộm xe ô tô trên địa bàn TP. Phan Thiết. Trên mạng xã hội, nhiều người đã đưa ra quan điểm về việc cần có biện pháp quản thúc các thiếu niên phạm tội nhiều lần. Trong đó, có nhiều ý kiến đề nghị trong quá trình chờ phán quyết của tòa án thì nên đưa ngay những trường hợp thiếu niên phạm tội nhiều lần như T vào các trường giáo dưỡng để hạn chế việc các em tiếp tục phạm tội.

37ef4221b3a06ffe36b1-1-.jpg
Tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí đang khiến dư luận bất an

Hiện nay, với sự phát triển của mạng internet, các em ở độ tuổi thiếu niên đã có những hiểu biết nhất định về pháp luật. Nhưng thay vì lấy đó là thước đo để ứng xử trong cuộc sống, thì có một bộ phận các em lại dùng kiến thức đó để “lách luật”, thậm chí có những biểu hiện của việc “coi thường” pháp luật. Trong các vụ án gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người, khi được tòa án nhân dân các cấp đưa ra xét xử, một số bị cáo “mặt còn búng ra sữa” nhưng thái độ lại rất ngông nghênh, bất cần. Thay vì hồi hộp ngồi lắng nghe thì bình thản cười, nói với bạn ngồi bên cạnh hoặc khi nhìn người thân, bạn bè phía dưới, tỏ vẻ không biết sợ. Trong vụ án 37 bị cáo có liên quan đến tội danh: Giết người và gây rối trật tự công cộng xảy ra tại huyện Tuy Phong vào ngày 12/7/2022 mà Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử vào ngày 16/9 vừa qua, một số thanh thiếu niên đã có những hành động thể hiện sự coi thường pháp luật. Sau khi tòa tuyên án, một số thanh thiếu niên chuẩn bị ra về đã cầm quyết định xét xử và các giấy tờ liên quan đến vụ án, xé nhỏ tung lên, quăng xuống đường.

phien-toa-gia-dinh.jpg
Tổ chức các phiên tòa giả định sẽ giúp các em trong độ tuổi thanh thiếu niên dễ tiếp thu các quy định của pháp luật.

Cần thay đổi để phù hợp với thực tế

Có thể thấy, dưới góc độ tâm lý, các em ở độ “trẻ trâu” dưới 18 tuổi, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, thiếu các kỹ năng sống. Do vậy, các em thường dễ “bốc đồng” thích thể hiện mình và rất dễ bị kích động. Mặt khác, các em nếu thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ dẫn đến tình trạng nói dối, a dua, đua đòi và tụ tập với những đối tượng xấu nên trở thành những đồng phạm. Bởi vậy, các em dễ bị lôi cuốn vào những hoạt động bạo lực, vi phạm pháp luật và trở thành tội phạm. Các quy định của pháp luật liên quan đến việc xử lý những hành vi vi phạm của thanh, thiếu niên hiện nay đã có. Lực lượng công an cũng có kế hoạch cụ thể giao cho các đơn vị và địa phương đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật để răn đe đối với những trường hợp khác. Lực lượng chức năng cũng tăng cường các biện pháp tuyên truyền pháp luật với đối tượng là thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc triển khai các biện pháp phòng chống tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật cũng bộc lộ những điểm hạn chế. Công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật đã được các cấp, các ngành triển khai nhưng lại “đi theo lối mòn”, không có sự đổi mới. Hầu hết các buổi tuyên truyền pháp luật hiện nay chỉ là diễn ra theo một mô típ, không thu hút được sự quan tâm của các em. Nên chăng, các ngành chức năng cần xem xét tổ chức nhiều hơn các phiên tòa giả định và nếu được thì tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động ở cộng đồng dân cư, trong các trường học cấp THPT về những hành vi có liên quan đến lứa tuổi các em. Trong thời gian vừa qua, đoàn thanh niên huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Tuy Phong đã tổ chức phiên tòa giả định liên quan đến hành vi: Tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy và Cố ý gây thương tích. Phiên tòa giả định có sự tham gia các em học sinh cấp THPT, THCS và đoàn viên, thanh niên. Việc được tận mắt chứng kiến quang cảnh một phiên tòa, được nghe cáo trạng, mức án áp dụng cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật. Rồi được tham gia trả lời các câu hỏi sát sườn với vấn đề mà phiên tòa giả định đề cập đã giúp các em hiểu nhanh, có cái nhìn trực quan nhất về vấn đề, từ đó giúp các em hiểu về pháp luật, thay đổi hành vi.

Về lâu dài cần có những biện pháp quản lý trẻ tốt hơn. Đó là việc tạo thêm những sân chơi, mô hình hoạt động tập thể cho thanh, thiếu niên, nhất là vào các dịp nghỉ hè. Bởi đây là thời gian các em được vui chơi. Nếu không có những hoạt động thu hút thì các em lại theo bạn bè đi chơi và tham gia thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà minh chứng cụ thể là số vụ thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật nhất là sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn tăng cao trong dịp hè. Theo ông Nguyễn Trường Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Thuận: Thực tế cho thấy hầu hết các vụ vi phạm pháp luật của thanh, thiếu niên hiện nay đều diễn ra ở khung giờ từ sau 22 giờ trở đi. Vì vậy, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát trong khung giờ này để kịp thời phát hiện những thanh, thiếu niên có biểu hiện nghi vấn. Về lâu dài, cần ban hành quy định về việc kiểm soát người dưới 18 tuổi, nhất là các em ở độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi đi ra ngoài đường ở khung thời gian này. Bởi các em chưa đến tuổi lao động, không có việc gì cần thiết để ra đường sau khoảng thời gian này. Nếu có đi ra đường thì cần phải có người lớn quản lý. Lực lượng chức năng khi phát hiện các em ra đường sau khoảng thời gian 22 giờ thì đưa về trụ sở sau đó mời phụ huynh lên để đưa con em mình về và ký cam kết quản lý tốt hơn. Điều này, sẽ làm tăng trách nhiệm của phụ huynh, người giám hộ trong việc quản lý con em mình đồng thời cũng hạn chế các em tụ tập với bạn bè xấu rồi bị lôi kéo tham gia thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó là tăng cường các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý nội dung các video clip trên mạng xã hội để hạn chế những nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến thanh, thiếu niên.

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là vấn đề được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm trong nhiều năm qua. Nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng và có những diễn biến khó lường mà các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã bộc lộ những điểm hạn chế, không còn phù hợp, có kẽ hở để cho những kẻ xấu lợi dụng, xúi giục trẻ em vi phạm pháp luật. Vì vậy, cần phải có những quy định pháp luật đặc biệt để hạn chế việc các em tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội và cũng để cách ly các em khỏi bạn bè xấu, có thời gian xem xét lại hành vi của bản thân, trở thành người có ích cho xã hội.

NGUYỄN LUÂN

Related articles
Giải bài toán thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Bài 1
Bài 1: Hệ lụy từ mạng xã hội và buông lỏng quản lý

(2) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải bài toán thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật .Bài 2: