Giải bài toán thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Bài 1

15/11/2023, 05:32

Bài 1: Hệ lụy từ mạng xã hội và buông lỏng quản lý

Hiện nay, tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội đang có dấu hiệu gia tăng cả về số vụ và mức độ phạm tội. Đa số các đối tượng vi phạm pháp luật đều bỏ học sớm, thiếu sự quản lý của gia đình, thực hiện các hành vi trộm cắp, gây mất trật tự xã hội, trong đó không ít em còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Việc giải bài toán thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật cần có sự vào cuộc của toàn xã hội và áp dụng những cách làm mới.

Hệ lụy từ giang hồ mạng, tình nghĩa huynh đệ online

Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật hay vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Chỉ vì một mâu thuẫn “lãng xẹt”, nhiều nhóm thanh, thiếu niên sẵn sàng manh động, kéo nhau sử dụng hung khí "chiến tới bến", bất chấp hậu quả. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các vụ việc thanh thiếu niên tụ tập sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn đều đến từ những nguyên nhân nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày.

z4866029966996_07ccc183aaf0e51cbb36121f13dac020.jpg
Nhóm thanh thiếu niên có liên quan trong vụ việc ngày 9/11 được Công an phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết phát hiện, ngăn chặn kịp thời

Tuy nhiên, có một điểm chung của các vụ thanh thiếu niên sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn là việc bị ảnh hưởng bởi các clip xấu, độc trên mạng xã hội. Trước đây, có một khoảng thời gian trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các video clip có nội dung bạo lực, cổ súy cho việc kéo bè, kết phái dùng hung khí đi giải quyết mâu thuẫn. Thậm chí, những kẻ lên mạng nói về đạo lý, thuyết giảng tình nghĩa huynh đệ, nhưng bản thân lại từng nhiều lần vào tù về các hành vi vi phạm pháp luật. Cụm từ “giang hồ mạng” phần nào nói lên điều này. Trong các clip tự sản xuất, "giang hồ mạng" đều xuất hiện với hình ảnh cơ thể nặng trĩu vàng, khắp người vằn vện xăm trổ. Các clip sặc mùi bạo lực, ân oán giang hồ. Những cảnh va chạm với đao kiếm, súng đạn, cùng những lời chửi thề tục tĩu, dằn mặt nhau được trình diễn công khai... Đáng lo ngại là một bộ phận không nhỏ cư dân mạng, nhất là giới trẻ, tỏ ra háo hức chờ đón, tung hô những ấn phẩm phản văn hóa đó. Thể hiện qua việc facebook của giang hồ mạng có tới vài trăm nghìn lượt theo dõi. Mỗi status, clip livestream có đến vài nghìn like, cùng hàng chục nghìn bình luận. Trên Youtube, các clip của giang hồ mạng ghi nhận lượt xem từ vài trăm nghìn đến vài triệu người.

Sự cuồng mộ của một bộ phận giới trẻ không dừng lại trên không gian mạng, mà đã hiện ra trên mặt đất. Mới đây, tối ngày 9/11, Công an phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết đã kịp thời ngăn chặn nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn. Điều đáng nói là những mâu thuẫn này rất vụn vặt trên mạng xã hội giữa 2 nhóm thanh, thiếu niên ở phường Phú Trinh và phường Hưng Long. Các thanh thiếu niên này đã thành lập nhóm kín trên mạng xã hội rồi nói chuyện, rủ nhau chuẩn bị hung khí đi giải quyết mâu thuẫn. Trong những đối tượng tham gia còn có cả các bé gái tuổi đời chỉ 12 - 14 tuổi.

Mạng xã hội đang tác động tiêu cực lên quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ, tạo ra những phẩm chất tâm lý sai lệch. Việc tung hô, tán thưởng các hành vi, cử chỉ quái gở, tục tĩu, phản cảm, bạo lực, ngông cuồng khiến người trẻ cho rằng hành vi đó đúng, được xã hội thừa nhận. Bên cạnh đó, những clip trên cũng chính là tác nhân gây ra bạo lực học đường. Học sinh rất dễ bắt chước và làm theo. Từ đó có thể hình thành nên những nhóm đầu gấu, đại ca trường học, quy tụ đàn em... lấy việc bắt nạt, đánh bạn để phô trương thân thế, tạo đẳng cấp, tên tuổi cho mình.

Hiện nay, việc quản lý các video clip có nội dung bạo lực đã dần được cơ quan chức năng kiểm soát. Tuy nhiên, hệ lụy từ các trang mạng xã hội đã tác động không nhỏ đến việc hình thành nhân cách của giới trẻ.

img_4106.jpg
Tòa án nhân dân tỉnh xét xử 37 bị cáo trong vụ án “Giết người”, “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở huyện Tuy Phong (ảnh: Ninh Chinh)

“Ở nhà cháu nó ngoan lắm”…?

Có một thực tế là mỗi khi báo chí đưa tin về lực lượng công an phát hiện, ngăn chặn các nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội là sẽ có người bình luận kiểu như: “Ở nhà cháu nó ngoan lắm”. Bình luận trên phần nào cho thấy sự buông lỏng quản lý con em mình của gia đình. Ông Nguyễn Trường Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cho biết: Thời gian vừa qua, các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, thậm chí là xử lý hình sự nhưng với những em dưới 18 tuổi thì sự quản lý, giáo dục của gia đình là rất quan trọng, mang tính chất quyết định đến việc hình thành nhân cách, thực hiện hành vi của các em. Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng của mạng xã hội thì hiện nay, nhiều gia đình mãi lo cuộc sống mưu sinh mà ít quan tâm đến con em mình. Nhiều gia đình quản lý con em mình không chặt chẽ, không biết các em đang chơi với ai, rời khỏi nhà để làm gì. Chỉ khi các em thực hiện hành vi vi phạm các quy định của pháp luật thì mới biết.

Trở lại vụ việc Công an phường Phú Trinh phát hiện, ngăn chặn nhóm thanh thiếu niên mang theo hung khí giải quyết mâu thuẫn vừa qua, thời điểm các thanh thiếu niên này hẹn gặp nhau là khoảng 21 giờ ngày 9/11. Khi bị lực lượng công an phát hiện, các đối tượng bỏ chạy. Đến khoảng 1 giờ 30 phút ngày 10/11, khi công an tiếp tục phát hiện thì vẫn còn có khoảng 30 thanh, thiếu niên tụ tập. Trong số này có những em còn nhỏ, tuổi chỉ từ 12 - 15 tuổi. Qua sự việc trên có thể thấy, nhiều gia đình hiện nay đang thiếu sự quan tâm đến con cái. Thậm chí, có những trường hợp khi các em có hành vi vi phạm pháp luật, thay vì giáo dục con em mình thì phụ huynh còn bênh vực, lấy lý do các em còn nhỏ, bị người khác dụ dỗ…

Ảnh hưởng từ mạng xã hội cộng với sự buông lỏng quản lý của gia đình đã khiến nhiều trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật. Tháng 3/2023, Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết, đưa ra xét xử 2 nhóm thanh niên, mỗi bên 20 người hỗn chiến đêm 22/8/2022 ở khu phố 2, phường Xuân An, TP. Phan Thiết về tội “Cố ý gây thương tích”. Tiếp đó, tháng 6/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử 16 bị cáo trong vụ hỗn chiến vào đêm 30/5/2022 ở trước cổng Khu công nghiệp Hàm Kiệm I thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam về tội “Giết người”. Cũng trong tháng 6/2023, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa 37 bị cáo trong vụ án “Giết người”, “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở huyện Tuy Phong ra xét xử. Các bị cáo trong những vụ án trên đều phải nhận những mức án tương xứng với hành vi phạm tội của mình gây ra. Phần lớn các bị cáo trong các vụ án trên đều dưới 18 tuổi. Trong đó, có những bị cáo mới chỉ 14, 15 tuổi. Tất cả các vụ án đều có chung khởi nguồn, xuất phát từ mâu thuẫn giữa 2 người, rồi lên mạng xã hội facebook thách đố nhau, hẹn thời gian, địa điểm đánh nhau. Mới đây, vụ một học sinh THPT ở TP. Phan Thiết bị 3 đối tượng dùng hung khí chém vào đầu, chân khiến dư luận hoang mang. 3 đối tượng tham gia gây thương tích cho em học sinh này đều dưới 18 tuổi và đang còn đi học.

Khoảng 4 năm trở lại đây, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật có những diễn biến phức tạp, khó lường, tính chất và mức độ phạm tội ngày càng tinh vi và manh động. Điều này cho thấy các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa mà các ngành chức năng đang thực hiện chưa mang lại hiệu quả rõ rệt cần có những quy định mới, đặc thù để bảo vệ những mầm xanh của đất nước.

Chỉ riêng Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, từ đầu năm đến nay đã cử Trợ giúp viên, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng cho 58 trường hợp người bị buộc tội từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Bài 2: Cần thiết có những quy định đặc thù

NGUYỄN LUÂN

Related articles
Triệu tập 2 nhóm “trẻ trâu” mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn
Chiều ngày 28/3/2023, Công an huyện Hàm Tân cho biết, vừa triệu tập 2 nhóm “trẻ trâu” mang hung khí hẹn nhau để giải quyết mâu thuẫn xảy ra vào tối ngày 23/3/2023, trên địa bàn khu phố 1, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải bài toán thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Bài 1