“Vợ chồng là duyên là nợ. Vợ chồng hết tình còn nghĩa”, má dặn vậy khi tôi bước lên xe hoa về nhà chồng. Tôi hiểu cái ẩn ý trong câu nói của má. Lúc nào má cũng dạy rằng phụ nữ phải chịu phần thiệt, làm sao thì làm cũng phải giữ ấm êm gia đình. Hồi đó, tôi phản đối quan niệm này của má, cho rằng cổ hủ chẳng hợp thời, nhưng càng sống với nhau, trải qua bao sóng gió, cũng có không ít những lần vừa khóc vừa viết đơn xin ly hôn, tôi mới thấm thía hết ý nghĩa lời khuyên của má.

Quả thật vậy, qua cái thời yêu đương mặn nồng, rồi qua luôn thời vợ chồng son, tới khi có con bắt đầu những tháng ngày nặng gánh mưu sinh, trăm dâu đổ đầu tằm, cái mặn nồng thuở ban đầu dần dần nhạt phai. Khi ấy, những tật xấu của nhau cũng lộ dần ra. Tôi hay bảo chồng, cặp nào vượt qua mười năm đầu thì tỷ lệ bên nhau cao, ngược lại thì mỗi người một ngả, trường hợp thứ 2 chiếm phần trăm cao ngất. Báo chí chẳng thống kê tỷ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ đáng báo động đấy à. Chẳng cần tìm đâu cho xa, ngay trong xóm, trên cơ quan cũng đầy những ví dụ điển hình. Có cặp cưới được tháng đã ly hôn. Có đôi lúc nào cũng lên facebook đăng hình đăng cặp ngọt như đường, đùng cái đường ai nấy đi, quay qua đấu tố nhau. Mà nói gì người ta, ngay cả vợ chồng tôi, những năm đầu cũng cãi nhau chí chóe, chiến tranh lạnh liên miên, sau quen dần, thôi thì nhường nhau mà sống. Cũng có thể sống riết với nhau, quen tật xấu rồi nên chấp nhận dần. Đi hỏi những cặp đôi khác mới biết vợ chồng nào chẳng có lúc cơm không lành canh không ngọt, vợ chồng nào rồi cũng sống với nhau bằng tình nghĩa, nhất là cái độ tuổi U40 như mình.
Bước qua độ tuổi U40 khi công việc đã ổn định, con cái cũng đã lớn dần, chúng ta thường tập trung vào phát triển công việc. Nhiều khi cả tuần cứ quay mòng mòng với công việc cũng chẳng kịp ngó ngàng vợ/chồng, con cái ra sao. Cuối tuần lắm lúc còn bận bịu tiếp đối tác, bạn bè, các mối quan hệ hoặc tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng. Thành ra thời gian trôi rất nhanh, đến nỗi có lúc giật mình nhận ra, hốt hoảng sao chưa kịp làm gì đã hết năm, chưa kịp kèm con cái học đã thấy tổng kết năm học rồi. Và lúc đó, tự dưng thấy có lỗi với chồng/vợ, con cái vì sự vô tâm của mình.
Thực tế, những người ở độ tuổi trung niên đều gặp vấn đề như vậy, dồn hết tâm trí vào công việc phát triển bản thân, nhất là người phụ nữ, sau quá trình sinh nở, chăm sóc con nhỏ họ khát khao phát triển sự nghiệp nhiều hơn. Từ đây cũng bắt đầu xuất hiện những rạn nứt nhỏ trong quan hệ gia đình. Con cái dễ xa lánh bố mẹ, chồng/vợ thờ ơ với nhau nhiều hơn. Những bữa cơm sum họp gia đình ngày càng ít đi, không khí vui vẻ không còn như trước nữa.
Đó là giai đoạn khủng hoảng tuổi trung niên mà ai cũng gặp phải. Để vượt qua giai đoạn này chỉ có thể là cố gắng dung hòa giữa công việc và gia đình mà thôi. Chúng ta nên nhớ, dù làm gì, sự nghiệp phát triển tới đâu thì gốc rễ vẫn là gia đình. Gốc rễ mà không vững cây chẳng phát triển xanh tốt được. Sự nghiệp thành công mà gia đình tan nát thì người đó cũng chẳng hạnh phúc gì. Vì vậy, cần sự dung hòa giữa công việc và gia đình. Hơn thế nữa, cần sự chung tay cố gắng của cả vợ lẫn chồng, bởi chẳng hạnh phúc nào tạo dựng nên từ một bên níu giữ cả.