Đức Linh: Nhiều khó khăn trong liên kết sản xuất lúa chất lượng cao

04/05/2022, 07:26

Liên kết gắn với tiêu thụ có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Việc làm này giúp đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả canh tác và thu nhập cho bà con nông dân. Thế nhưng, thời gian qua việc liên kết sản xuất lúa chất lượng cao ở huyện Đức Linh vẫn còn một số khó khăn khi việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa được chặt chẽ.

z3385256318400_4920d3e3fd63b21323ea4059e00f3133.jpg

Liên kết tiêu thụ thiếu bền vững

Huyện Đức Linh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 42.064 ha, trong đó hiện trạng đất trồng lúa là 9.217 ha. Lúa là loại cây trồng chủ yếu, chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất cây hàng năm. Vì vậy, Đức Linh đã ban hành Nghị quyết 05 về việc xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. Mục tiêu cụ thể của nghị quyết là tập trung tuyên truyền, vận động tạo bước đột phá để thay đổi tập quán, hình thức sản xuất lúa manh mún, riêng lẻ của người dân bằng hình thức sản xuất mới, liên kết trong sản xuất, chú trọng về chất lượng và gắn với chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập, nhằm góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện nhà. Đến năm 2025 doanh thu bình quân đất chuyên lúa đạt từ 140-150 triệu đồng/ha/năm, cho thu nhập bình quân đạt từ 55-60 triệu đồng/ha/năm.

Thế nhưng thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid -19, bên cạnh đó giá thành các mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao từ 20 - 45%, cùng với đó tình hình vận chuyển, xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo gặp nhiều khó khăn, giá đầu ra thấp và thiên tai diễn biến thường xuyên gây ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng nên hiệu quả kinh tế chưa đạt theo dự kiến ban đầu.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh cho biết: Công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện ở cơ sở chưa có sự nhịp nhàng, thống nhất; chưa bám sát vào mục tiêu định hướng đã đề ra theo kế hoạch. Các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tuy được UBND huyện và các ngành chuyên môn quan tâm chỉ đạo, triển khai kịp thời; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách nhưng hiệu quả mang lại trên một số mặt chưa cao thể hiện qua các tiêu chí như: Còn sử dụng một số loại giống phẩm chất thấp (ML 202 ở Võ Xu); người sản xuất chưa thực hiện đúng, đủ quy trình sản xuất đã đề ra ban đầu cho các loại giống; cán bộ theo dõi mô hình chưa bám sát thường xuyên để hướng dẫn người dân. Một số địa phương bố trí diện tích sản xuất không tập trung nên việc theo dõi, giám sát mô hình chưa thực sự sâu sát, chặt chẽ; mức độ áp dụng lồng ghép, đồng bộ các kỹ thuật canh tác mới như “3 giảm, 3 tăng” thâm canh lúa cải tiến SRI… hầu hết trên các mô hình chiếm tỷ lệ còn rất thấp.

Đơn vị này cũng cho biết thêm, khó khăn lớn nhất đó là việc hiệu quả liên kết sản xuất và tiêu thụ đầu ra sản phẩm ở một số địa phương chưa được chú trọng khi thực hiện ký kết với các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở chưa đáp ứng năng lực về bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm như Võ Xu, Mê Pu, Sùng Nhơn; các hợp đồng liên kết tiêu thụ khác thiếu bền vững, tính ràng buộc pháp lý chưa cao. Các doanh nghiệp và hợp tác xã khi tham gia liên kết chưa thỏa thuận thống nhất với người dân về áp giá thu mua, giá thu mua thấp hoặc ngang giá thị trường nên xảy ra tình trạng nông dân bán sản phẩm ra ngoài gây đứt gãy chuỗi liên kết.

z3385256318395_2d74ef590ff19ee4505c1072257a301c.jpg

Đâu là giải pháp?

Thực tế, qua quá trình thực hiện, một số mô hình đã phát huy ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất như: sử dụng phương tiện bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng giống gieo sạ và thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhờ đó giúp giảm thiểu chi phí, giá thành sản xuất; giảm nguy cơ gây hại đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, nâng cao năng suất lao động và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Về hiệu quả kinh tế, nhìn chung trong năm 2021 giá thành vật tư nông nghiệp tăng cao; việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, giá đầu ra không ổn định, tuy nhiên với doanh thu bình quân 16,53 triệu/ha/vụ mùa là kết quả tương đối khả quan.

Do vậy, để việc hợp tác, liên kết sản xuất đạt kết quả tốt, huyện Đức Linh cần tiếp tục sử dụng lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người trồng lúa thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao trên các vùng quy hoạch thông qua áp dụng giống lúa mới và hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đồng thời phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp và hợp tác xã có năng lực trong hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo chuỗi liên kết khép kín từ khâu đầu vào đến bao tiêu đầu ra sản phẩm. “Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân thông qua các hợp tác xã; định hướng sử dụng các loại giống chất lượng cao như ST24, ST25, OM18, Đài thơm 8, Lộc Trời 28, giống OM 5451 hoặc các loại giống theo đơn đặt hàng của đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm; Đối với các hộ dân tham gia sản xuất lúa chất lượng cao được hỗ trợ năm 2022 phải ký kết hợp đồng liên kết tối thiểu 2 năm nếu thỏa thuận được điều khoản hợp đồng với đơn vị bao tiêu sản phẩm. Việc hỗ trợ kinh phí phải được căn cứ vào hợp đồng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã”, ông Trương Quang Đển - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh chia sẻ thêm.

Mặt khác để ổn định diện tích sản xuất lúa chất lượng cao đến năm 2025, các địa phương trong huyện cần phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã có thế mạnh để triển khai thực hiện cánh đồng mẫu về sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng: Ưu tiên sử dụng giống lúa mới có thế mạnh về xuất khẩu, sản xuất các loại giống theo nhu cầu đặt hàng; sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật gắn với xây dựng hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm tối thiểu 6 chu kỳ sản xuất (2 năm) với các hình thức lựa chọn như: Bao giá đầu vụ hoặc khoán lợi nhuận cho nông dân nhằm mục đích để người dân tham quan, đút kết kinh nghiệm và hướng tới thay đổi nhận thức trong việc tham gia ký kết, tuân thủ hợp đồng liên kết.

NGỌC DIỆP

Related articles
Tập trung phủ sóng hóa đơn điện tử
Ngày 21/4, hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) toàn quốc đã được kích hoạt. Mọi giao dịch, kinh doanh đến ngày 1/7/2022 đều phải xuất hóa đơn điện tử, không còn hóa đơn giấy. Ngành thuế tỉnh đang tập trung cao độ để đảm bảo kịp kế hoạch đã ấn định.

(0) Comments
Focus
Binh Thuan makes efforts to welcome “eagle" investors
BTO - In mid-October, Provincial Party Secretary Nguyen Hoai Anh led a delegation to inspect the progress of infrastructure investment in Tan Duc, Son My 1, and Son My 2 Industrial Parks. The purpose was to conduct field inspections, thereby directing relevant departments, localities, and units to focus on resolving and supporting the removal of difficulties and obstacles to help investors speed up project progress.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức Linh: Nhiều khó khăn trong liên kết sản xuất lúa chất lượng cao