Tính từ năm 2020 đến nay, Bình Thuận đã có 70 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), bao gồm: 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao, 34 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 34 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Theo Sở Công Thương, thời gian qua ngành đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp đem lại hiệu quả, nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Qua đó góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như làm nên thành công của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”.
Trong đó đã tăng cường công tác xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức phù hợp điều kiện thực tế, như góp mặt tại hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành. Phối hợp Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức hơn 10 hội thảo, hội nghị giao thương trực tuyến, tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương có cơ hội tìm hiểu, kết nối với đối tác hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ… Hay như vận động, hỗ trợ cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, quảng bá tại các hội chợ triển lãm trên phạm vi toàn quốc (thông qua việc trưng bày sản phẩm tại gian hàng chung của tỉnh).
Ở địa phương, ngành chức năng đã thông báo danh sách 70 sản phẩm OCOP của Bình Thuận đến các siêu thị Coopmart, Lotte Mart, cửa hàng tiện lợi Winmart, Bách Hóa Xanh nhằm kết nối, tiêu thụ nội tỉnh cũng như hệ thống trên cả nước. Tiếp đó phối hợp Siêu thị Coopmart Phan Thiết, Siêu thị Coopmart La Gi, Siêu thị Coopmart Phan Rí Cửa thống nhất hình thức hỗ trợ gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh. Nhờ vậy bước đầu có khoảng 15 sản phẩm (chủ yếu là nước nắm truyền thống, hải sản chế biến, nước ép thanh long) của 6 doanh nghiệp được “lên kệ” tại Siêu thị Coopmart Phan Thiết. Trong khi đó, Siêu thị Coopmart La Gi và Siêu thị Coopmart Phan Rí Cửa hiện cũng có một số sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp địa phương được bày bán...
Trên lĩnh vực thương mại điện tử, thời gian qua ngành Công Thương đã triển khai đến doanh nghiệp và cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử (như postmart.vn, sanphamdiaphuong. com.vn...). Tổ chức các lớp tập huấn thương mại điện tử cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh nắm bắt quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử trong kinh doanh online. Cùng với đó tiến hành hỗ trợ cho 2 đơn vị là Hợp tác xã Thanh long Hàm Đức và Công ty TNHH Cá Đen tham gia thực hiện đề án Hỗ trợ xây dựng bộ thương hiệu trực tuyến. Đồng thời đang triển khai thực hiện đề án về “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh của tỉnh Bình Thuận” (thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2022).
Từ kết quả bước đầu, tới đây Sở Công Thương tiếp tục vận động và hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo để trưng bày sản phẩm. Song song đó đẩy mạnh thực hiện xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhất là sản phẩm OCOP của Bình Thuận gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tập trung củng cố, mở rộng thị trường nội địa và phát triển xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, trong đó có các thị trường lớn, tiềm năng cho sản phẩm lợi thế của tỉnh...
Trong thời gian đến, địa phương tiếp tục hỗ trợ trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của Bình Thuận tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Theo đó cơ sở có sản phẩm OCOP cần chủ động liên hệ, trao đổi thống nhất với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi để sản phẩm được trưng bày và tiêu thụ. Tích cực hoàn tất thủ tục, giấy phép theo quy định đáp ứng điều kiện trong giao dịch thương mại, ký kết hợp đồng giữa các chủ thể và doanh nghiệp phân phối, nhất là phương thức thanh toán, vận chuyển…