Đột phá trong đào tạo nghề

21/04/2022, 06:05

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm gần đây, Bình Thuận đặc biệt coi trọng công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Ông cha ta thường căn dặn: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. C. Mác thì cho rằng, con người là yếu tố số một của lực lượng sản xuất. Xác định nguồn nhân lực là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để đào tạo nghề đáp ứng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đạt được những kết quả tích cực đã tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm gần đây, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp ngày càng được củng cố, ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng. Nhiều cơ sở đào tạo nghề đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các địa phương tổ chức tuyển sinh, đào tạo, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay là 843 người. Đa số giáo viên, giảng viên thuộc biên chế của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đạt chuẩn theo quy định.

Các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao, xây dựng các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng nhu cầu học tập của người học, nhu cầu nâng cao tay nghề, thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp. Bình quân hàng năm tỉnh đào tạo nghề cho 13.006 người. Một số ngành nghề đào tạo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh như: điện công nghiệp; công nghệ ô tô; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; quản trị khu resort; quản trị kinh doanh - dịch vụ; quản trị kinh doanh – nhà hàng khách sạn và du lịch; lái xe ô tô hạng B2; lái xe ô tô hạng C; pha chế thức uống; dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn...

2.jpg
May xuất khẩu ở Công ty may Phú Long, Hàm Thuận Bắc.

Liên kết đào tạo

Theo bà Tâm, nhiều năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động khảo sát nhu cầu lao động của doanh nghiệp để kết hợp đào tạo lao động đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Việc gắn kết giữa trung tâm với doanh nghiệp, từ công tác tuyển sinh, đào tạo, thực tập đào tạo, thực hành sản xuất, đến tuyển dụng và sử dụng lao động... đã đem lại sự đột phá mới trong giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên và giáo viên có nhiều cơ hội được học tập, có được việc làm phù hợp sau khi ra trường. Đáng chú ý, sau đào tạo nghề, bình quân trên 80% học viên có việc làm, trong đó một số nghề đặc thù tại các địa phương có tỷ lệ việc làm cao, đạt 90 – 95% như: trồng và chăm sóc cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam; trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su ở Tánh Linh, Đức Linh; may công nghiệp ở Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, La Gi, Tánh Linh, Đức Linh...

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã quan tâm tổ chức cho cán bộ giáo viên, giảng viên nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế nhằm vận dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật trong đào tạo nghề. Đồng thời, quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo theo quy mô và phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động tại địa phương. Hàng năm, các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” cho các nghề trọng điểm. Cùng với đó, nhà nước bổ sung kinh phí đầu tư thêm cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề theo hướng tự chủ của đơn vị. Đa số đầu tư đáp ứng đầy đủ trang thiết bị giảng dạy các nghề: Lái xe ô tô B2, C; may công nghiệp; sửa chữa lắp ráp máy vi tính; vận tải nông thôn; may công nghiệp; xây dựng dân dụng; pha chế thức uống; kỹ thuật chế biến món ăn…

1.jpeg

Huy động mọi nguồn lực đào tạo nghề

Đất nước ta đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, đòi hỏi cơ cấu lao động hợp lý và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Điều đó đặt ra phải làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề để có thể chuyển dịch một bộ phận lao động từ nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ và phục vụ tốt hơn quá trình xây dựng nông thôn mới. Bình Thuận đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2030, tuyển mới giáo dục nghề nghiệp 100.000 người (bình quân mỗi năm 10.000 người), trong đó: đào tạo nghề cho lao động nông thôn 30.000 người góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt từ 70 - 75%. Đến năm 2030 đạt từ 75 - 80%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 30 - 32%.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, sở sẽ đẩy mạnh các cuộc vận động, kết hợp nhiều biện pháp, hình thức triển khai để huy động mọi nguồn lực cho công tác đào tạo nghề. Đa dạng hóa hình thức, phương thức đào tạo và gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tích cực triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền, tư vấn học nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đối với công tác đào tạo nghề; đẩy mạnh các cuộc vận động, kết hợp nhiều biện pháp, hình thức triển khai để huy động mọi nguồn lực cho công tác đào tạo nghề. Đa dạng hóa hình thức, phương thức đào tạo và gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, tổ chức khảo sát, đào tạo nghề đúng nhu cầu và đối tượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp cho người lao động có thêm thông tin từ phía doanh nghiệp để có sự lựa chọn định hướng học nghề, tìm việc sau học nghề. Song song, mở rộng hình thức đào tạo nghề theo hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, đảm bảo cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có được việc làm. Chú trọng đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc phát triển các ngành tiềm năng thế mạnh của tỉnh...

THU HÀ

Related articles
Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tiễn địa phương
BT- Đào tạo nghề cho lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhiệm vụ khá quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã phối hợp triển khai thực hiện khá tích cực.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đột phá trong đào tạo nghề