Hàng năm cứ vào khoảng tháng 3, người trồng điều lộn hột trên vùng cao Hàm Thuận Bắc lại lo thu hoạch điều. Do cây điều trái nhỏ nên khi thu hoạch không thể leo lên cây hái từng trái mà phải dùng dụng cụ tự chế để hái. Theo đó, người đồng bào làm một cây khèo - một cây le hoặc tre loại nhỏ khô, gắn móc kim loại vào đầu cây để khèo trái điều.
Khi trái điều rụng xuống, đồng bào chỉ bẻ lấy hột bỏ trái. “Bà lùn quá nên sử dụng cây khèo trái”, bà K’ Thị Hiệu, 63 tuổi, thôn 3, xã La Dạ khèo từng trái tại vườn điều nhà mình nói vui. La Dạ là một trong những xã vùng cao thuần đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Thuận Bắc, có 1.055 hộ/4.232 khẩu, chủ yếu trồng điều lộn hột. Những năm gần đây một số hộ chuyển đổi sang trồng cây khác vì điều già cỗi kém năng suất. Tuy vậy, nó vẫn là cây chủ lực mang lại kinh tế cho gia đình dù ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh mất mùa.
“Điều là cây dễ trồng hơn các loài cây khác, dù có mất giá, mất mùa cũng 20.000 đến 26.000 đồng/kg. Ngoài thu hoạch điều, lúa... cộng với sản vật từ rừng cũng đủ sống qua ngày”, ông B’Rông Nhin, lao động chính trong một gia đình ở thôn 2, xã La Dạ trồng gần 2 ha điều cho biết.
Sau khi thu hoạch điều, họ vận chuyển đến điểm thu mua, bán cho thương lái địa phương. Tại đây, người thu mua phơi khô, đóng bao bán cho các cơ sở chế biến. Năm nay giá điều giảm, chỉ với giá 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. “Bà mới bán có 20.500 đồng/kg, rẻ hơn năm ngoái”, bà Hiệu chia sẻ.
Dù năng suất không cao do thời tiết, sâu bệnh; giá điều hạ, đồng bào vùng cao Hàm Thuận Bắc vẫn đang tích cực chăm sóc, theo dõi điều để không khô cành, héo ngọn; cho trái tăng thu nhập vụ sau.