Dồn sức cho đường cao tốc

16/05/2019, 09:14

BT- Đường bộ cao tốc Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh và thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các đô thị lớn, cảng biển, trung tâm kinh tế lớn... Quốc hội đã có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; trước mắt đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km; gồm 3 dự án thành phần: đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 39.650 tỷ đồng; riêng kinh phí giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 2.205 tỷ đồng. Dự án đi qua 5 huyện với tổng diện tích đền bù là 1.179 ha, một khối lượng công việc lớn, ảnh hưởng nhiều đến người dân, trong lúc yêu cầu tiến độ thực hiện rất gấp là đến cuối tháng 11/2019 phải hoàn tất giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Việc giải phóng mặt bằng là việc rất quan trọng và cũng đầy khó khăn. Chính vì vậy, tại Chỉ thị số 07 ngày 21/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công trong thời gian sớm nhất, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư dự án thành phần GPMB và các ban, ngành của địa phương thực hiện tốt công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng, ý nghĩa của công trình; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, hợp lý của người dân.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thể hiện quyết tâm cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai công tác bồi thường GPMB; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp và mới đây vào đầu tháng 5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị 08 chỉ đạo việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh.

Có thể nói, về chủ trương từ Trung ương đến địa phương là rất nhất quán và quyết liệt, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện. Được biết, tỉnh đã ban hành quyết định điều chỉnh sửa đổi, bổ sung về nguyên tắc và đơn giá bồi thường thiệt hại về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất để áp dụng thực hiện đối với dự án đường cao tốc cho phù hợp với thực tế. Các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các tiểu dự án thành phần giải phóng mặt bằng để tiến hành rà soát, đề xuất các khu tái định cư; lập tiến độ tổng thể công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện công tác bồi thường GPMB…

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là công tác tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy, để công việc đạt kết quả là phải biết dựa vào dân và vì quyền lợi chính đáng của người dân. Để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ chủ trương chung từ phía cộng đồng dân cư, cùng với công tác tuyên truyền vận động thì khâu áp giá đền bù, hỗ trợ và tái định cư phải hết sức minh bạch, công bằng, chính xác trên cơ sở vận dụng tối đa mọi cơ chế, chính sách về GPMB, tuyệt đối không để người dân chịu thiệt thòi. Chính quyền địa phương cần tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, cầu thị lắng nghe và có phương án tháo gỡ nhanh các vướng mắc; phân công cán bộ lãnh đạo và chuyên môn đến từng xã, thôn để đôn đốc, theo dõi công tác GPMB; khi gặp vướng mắc phát sinh hoặc nhận được đơn thư khiếu nại từ phía các hộ dân, lãnh đạo nơi đó xuống ngay hiện trường nhằm có biện pháp tháo gỡ, nếu vượt quá thẩm quyền thì phải kịp thời báo cáo cấp trên cho chủ trương giải quyết… Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào huy động được cả hệ thống chính trị tham gia đồng bộ GPMB, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương vì lợi ích chung thì sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt; trong đó, người đứng đầu đóng vai trò rất quan trọng.

THẾ NAM


Related articles

(0) Comments
Focus
Binh Thuan to protect Intangible Cultural Heritage Recognized by UNESCO
BTO – In 2013, UNESCO recognized Southern Vietnamese Don Ca Tai Tu (DCTTNB) as an intangible cultural heritage of humanity. Binh Thuan is one of 21 provinces and cities with the artistic heritage of Don Ca Tai Tu, contributing to enhancing the spiritual cultural life of the people and developing the socio-economic situation of the province, raising Binh Thuan's status in the region and the country.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dồn sức cho đường cao tốc