Không những có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế, Bình Thuận còn là “cầu nối” giữa các vùng Đông Nam bộ - Tây Nguyên - Nam Trung bộ và nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó sở hữu khá nhiều tiềm năng, lợi thế mà trong thời gian qua đã tập trung mời gọi đầu tư, từng bước đem lại hiệu quả trên một số lĩnh vực: Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… Tính đến nay, toàn tỉnh thu hút hơn 1.600 dự án với tổng vốn đầu tư 331.843 tỷ đồng, hiện số doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương khoảng 8.515 doanh nghiệp.
Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng năm nay địa phương tiếp tục ghi nhận có thêm 2 dự án FDI (vốn đầu tư nước ngoài) đăng ký mới trên địa bàn Bình Thuận. Bao gồm: Dự án Nghiên cứu đầu tư kho cảng LNG Sơn Mỹ của Liên doanh Tổng Công ty Khí Việt Nam - Công ty cổ phần Sơn Mỹ LNG Terminal Holding B.V với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng (khoảng 13 triệu USD), Nhà máy Bags Connection của Bags Connection Korea Co. Ltd có tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng (tương đương 3 triệu USD). Như vậy đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 119 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 3,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực du lịch - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng...
Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận vừa qua, UBND tỉnh cũng tổ chức Hội nghị Gặp gỡ các nhà đầu tư năm 2022 với chủ đề “Bình Thuận kết nối tiềm năng”. Sự kiện này tăng cường giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như cung cấp thông tin về định hướng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thông qua đó tạo động lực để huy động tất cả nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước lẫn quốc tế về Bình Thuận. Đặc biệt tập trung vào 3 lĩnh vực trụ cột: Du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị; Công nghiệp chế biến - chế tạo, năng lượng tái tạo; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thông điệp mà địa phương muốn gởi tới các nhà đầu tư rất rõ ràng: Bình Thuận sẽ tiếp tục tích cực kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện và cam kết đồng hành để cộng đồng doanh nghiệp thành công. Như theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số PCI Bình Thuận năm 2021 đạt 65,96 điểm, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố (tăng 13 bậc so với năm trước đó, đứng trong nhóm khá của cả nước). Trong đó có 6/10 tiêu chí tăng điểm: Tính minh bạch; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Chi phí không chính thức; Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự; Tiếp cận đất đai. Điều này đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực của các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương.
Với định hướng phát triển bền vững, Bình Thuận luôn mong muốn trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và hiệu quả dành cho tất cả nhà đầu tư chiến lược. Thế nên tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện các dịch vụ hành chính công, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cũng như đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi. Ngoài ra còn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, đồng thời chủ động nắm bắt cơ hội, cùng hợp tác phát triển hướng đến thành công như kỳ vọng...