Thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung dự thảo Luật.
Góp ý cụ thể tại Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn để có sự phân biệt giữa hành vi cố ý và hành vi vô ý khi tìm được di vật, cổ vật trong quá trình khai thác sử dụng diện tích sản xuất nông nghiệp, việc đánh bắt hải sản trên biển… và các hành vi khác gây thiệt hại, ảnh hưởng đến di sản văn hóa để dễ áp dụng khi luật đi vào cuộc sống.
Liên quan đến kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể tại Điều 11, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị xem xét, nghiên cứu để có quy định thời gian kiểm kê phù hợp hơn. Tại khoản 1 Điều 11 quy định việc kiểm kê phải được tiến hành hàng năm theo đại biểu chưa thật sự phù hợp với thực tiễn, có thể gây lãng phí về thời gian và nguồn lực. Trong trường hợp có di sản mới được công nhận thì chúng ta cập nhật vào Danh mục di sản, không cần thiết phải kiểm kê lại những di sản của năm liền kề trước đó.
Tại Điều 35 về dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhận thấy, nội dung Dự thảo quy định việc lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thực hiện thuộc một trong các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 35 có thể sẽ gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Đối với các di tích (quy mô diện tích lớn và có nhiều công trình xây dựng) phải lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhưng cần triển khai sớm và đáp ứng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 (nêu trên) sẽ bỏ qua công tác lập quy hoạch và không đảm bảo công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ các di tích. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ việc lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thực hiện sau khi quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong trường hợp cần thực hiện sớm đối với các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng thì phải có đánh giá của các cơ quan chuyên môn và đã được bố trí kinh phí thực hiện theo quy định...
Về nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều 82, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 theo hướng bổ sung thêm nội dung bố trí trong kế hoạch đầu tư công để phù hợp với nội dung tại khoản 2 Điều 83 dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị bổ sung nội dung ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách để đảm bảo thực hiện khi Luật ban hành.
Liên quan đến xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều 90, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm e, khoản 2, Điều 90 cụ thể như sau: “Quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ cảnh quan văn hóa và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; tổ chức hoạt động tham quan, dịch vụ phù hợp đối với từng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; thu, quản lý và sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật”. Vì việc khuyến khích xã hội hóa trong công tác “quản lý, tổ chức hoạt động tham quan, dịch vụ phù hợp đối với từng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; thu, quản lý và sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật” là vấn đề phù hợp nhu cầu thực tế, góp phần phát huy mạnh mẽ giá trị của các di tích, đồng thời, phục vụ phát triển du lịch của từng địa phương.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cũng đề nghị xem xét rà soát kỹ dự thảo luật này so với các luật có liên quan như: Luật Nhà ở; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quy hoạch; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Đa dạng sinh học; Luật Bảo vệ môi trường… để tránh chồng chéo đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là các luật mà tại kỳ họp này Quốc hội xem xét, thông qua.