Đề án 939: Phá vỡ “rào cản” giúp phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống

20/07/2022, 06:02

Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là Đề án 939) được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định 939/QĐ-TTg không chỉ tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển sự nghiệp, mà còn góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Tại Bình Thuận, qua 4 năm thực hiện, đề án đã bước đầu giúp phụ nữ phá vỡ những rào cản về mặt tâm lý cũng như trở ngại từ bên ngoài để phát huy tiềm năng của bản thân.

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh có những chia sẻ với Báo Bình Thuận xung quanh đề án này.

img_7569.jpeg
Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

Năm 2018, khi triển khai Đề án 939 xuống cho hội viên, phụ nữ gặp những thuận lợi, khó khăn nào không, thưa bà?

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 939 là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy hội viên, phụ nữ tham gia tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình, làm chủ doanh nghiệp trên các lĩnh vực, nâng cao vai trò bình đẳng giới của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế. Ngay sau đó, năm 2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4163/KH-UBND, ngày 1/10/2018 thực hiện đề án, giao cho Hội LHPN tỉnh trực tiếp chủ trì tham mưu triển khai trong toàn tỉnh.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức, hướng dẫn hội viên phụ nữ viết ý tưởng khởi nghiệp. Đồng thời phối hợp với Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ kiến thức khóa học kỹ thuật cho các ý tưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, kiến thức kinh doanh cho ý tưởng khởi nghiệp thương mại - dịch vụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối với tổ chức Phi chính phủ, ngân hàng hỗ trợ vốn mua sắm trang thiết bị. Cũng như kết nối tham gia diễn đàn triển lãm giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Ở địa phương, tổ chức Hội phụ nữ đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo UBND và phòng chuyên môn về kinh phí, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp.

Tuy nhiên, đây là đề án mới, đề cao vai trò tự tin, sáng tạo của nữ giới nên trong quá trình triển khai đã gặp không ít khó khăn. Cụ thể, công tác phối hợp tuyên truyền về ý nghĩa của đề án chưa sâu, chặt chẽ, trong khi nhận thức về khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình của hội viên phụ nữ chưa đồng đều, “không biết bắt đầu từ đâu” nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, miền biển. Thêm vào đó, một số cán bộ Hội các cấp chưa thể hiện hết trách nhiệm trong việc nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, tư vấn, khích lệ phụ nữ tham gia khởi nghiệp.

Sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền, các ngành chuyên môn chưa thường xuyên trong hỗ trợ kinh phí cũng như các nguồn lực khác; nội dung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp còn chung chung. Phụ nữ tham gia khởi nghiệp tiếp cận các chính sách, vốn còn hạn chế…

sp-khoi-nghiep-2022.1.jpg
Sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ Hàm Tân

Vậy kết quả sau 4 năm thực hiện đề án như thế nào? Các ý tưởng của phụ nữ Bình Thuận có tính đột phá chưa?

Từ năm 2018 – 2021, Hội LHPN tỉnh tổ chức khảo sát 1.604 ý tưởng khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp tham gia tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, Hội đã tổ chức 3 lần “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” cấp tỉnh với 36 ý tưởng tham gia. Năm 2018, có 3 ý tưởng được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ 250 triệu đồng; Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) hỗ trợ 7 ý tưởng tại các huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Phú Quý và TP. Phan Thiết, với số tiền hơn 83 triệu đồng. Qua 4 năm, đã có nhiều ý tưởng khởi nghiệp thành công, sản phẩm khởi nghiệp được người tiêu dùng và thị trường biết đến như “Trồng rau sạch an toàn” xã Vũ Hòa (Đức Linh), “Hồ bơi Tâm Nhân Trí” xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc), “Tinh bột nghệ Đông Đan” (Tánh Linh), “Gạch không nung”, “Tranh giấy xoắn Quilling” (Hàm Tân), các sản phẩm từ trái thanh long gồm rượu vang, nước ép, siro... đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nữ nhàn rỗi tại địa phương.

Đặc biệt, bằng sự nhanh nhạy, vượt khó của mình, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, các sản phẩm do phụ nữ làm chủ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, nhưng các chị đã tìm tòi, học hỏi bán hàng thông qua các kênh mạng xã hội zalo, facebook, trang fanpage… Điều này cho thấy sự năng động, khát vọng vươn lên của chị em phụ nữ, đem lại nguồn kinh tế ổn định, vừa chăm sóc gia đình, không phụ thuộc vào người đàn ông.

Tuy nhiên, qua khảo sát ở các huyện, thành phố cho thấy đa phần các ý tưởng, dự án của phụ nữ trong tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có tính cạnh tranh trên thị trường. Các sản phẩm chủ yếu là dịch vụ thương mại, hoạt động khá giống nhau chưa có sự khác biệt, sáng tạo để thu hút khách, nhất là những mô hình: Homestay, cafe, ẩm thực, tiệc cưới… Chủ yếu đều được kinh doanh thương mại trên toàn quốc khá quen thuộc với du khách, chỉ cạnh tranh nhau ở giá cả, dịch vụ nấu ăn, giao tiếp của nhân viên phục vụ…

sp-khoi-nghiep-2022.jpg
dscn5746.111.jpg
Gian hàng khởi nghiệp của phụ nữ được nhiều người tìm hiểu, đặt mua.

Hội sẽ có kế hoạch gì để “tiếp sức” cho hội viên, nhất là với hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tự tin khởi nghiệp?

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 4163/KH-UBND ngày 1/10/2018 của UBND tỉnh về triển khai Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025. Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh sẽ có hướng dẫn các cấp Hội hỗ trợ, giúp chị em tự tin, mạnh dạn sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế thông qua hoạt động giới thiệu, kết nối, hỗ trợ kỹ thuật của các ngành, nguồn vốn của ngân hàng.

Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích vận động hội viên, phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã. Tạo điều kiện giúp phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, tranh thủ chương trình, đề án đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để chị em hình thành, phát triển ý tưởng, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan huy động nguồn lực hỗ trợ các ý tưởng đang có sản phẩm, thực hiện hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn an toàn, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

THÙY LINH

Related articles
Phan Thiết: Khơi nguồn cho phụ nữ khởi nghiệp
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Phan Thiết đã và đang triển khai hiệu quả. Sau 4 năm thực hiện Ðề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (đề án), chương trình hỗ trợ của Hội đã khơi nguồn và hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp cho nhiều hội viên, giúp phụ nữ mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề án 939: Phá vỡ “rào cản” giúp phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống