Giai đoạn 2022 – 2024, tỉnh Bình Thuận đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển hạ tầng số. Đáng chú ý, mạng viễn thông – internet tiếp tục được đầu tư mở rộng mạnh mẽ, phủ sóng tới hầu hết địa bàn dân cư. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có trên 95% hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang; hơn 90% người dân có thể sử dụng dịch vụ internet tốc độ cao từ 200 Mbps trở lên. Các doanh nghiệp viễn thông chủ lực như VNPT, Viettel, Mobifone đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để nâng cấp năng lực mạng lõi, triển khai mạng di động thế hệ mới, đồng thời đảm bảo tốc độ, độ trễ và độ ổn định phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của người dùng.

Về hạ tầng dữ liệu – công nghệ, Bình Thuận đã bước đầu tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối liên thông với các hệ thống cấp bộ, ngành và Chính phủ. Nhiều thủ tục hành chính cấp tỉnh đã được số hóa toàn bộ quy trình, giúp rút ngắn thời gian xử lý, nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 60%, tạo điều kiện cho thanh toán điện tử và xử lý không giấy tờ. Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh cũng đã được nâng cấp, trang bị công nghệ bảo mật và sao lưu hiện đại, trở thành “trái tim công nghệ” vận hành chính quyền số. Các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã đều có hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối ổn định, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian hành chính.
Không chỉ dừng lại ở kết quả ngắn hạn, Bình Thuận đã xây dựng chiến lược dài hơi với tầm nhìn rõ ràng. Nghị quyết của Tỉnh ủy và kế hoạch phát triển hạ tầng số giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030 xác định mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, 100% hộ gia đình có khả năng tiếp cận internet cáp quang; 90% người dân truy cập được internet tốc độ tối thiểu 200 Mb/s; 100% khu hành chính, điểm du lịch, khu công nghiệp được phủ sóng 5G; Mỗi công dân có một định danh số và ít nhất 50% người trưởng thành sử dụng chữ ký số; Hệ thống dữ liệu của tỉnh được đồng bộ, liên thông ba cấp chính quyền...
Không còn là công cụ hỗ trợ, hạ tầng số nay được xác định là một “nguồn lực chiến lược”, phải được đầu tư đồng bộ với hạ tầng giao thông, điện lực, đô thị. Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo sát sao việc đưa các nội dung số hóa, hạ tầng công nghệ vào quy hoạch tổng thể phát triển đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và điểm đến du lịch. Trong đó, triển khai mạng 5G tại các địa bàn trọng điểm như Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong… không chỉ phục vụ người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ y tế, giáo dục, điều hành đô thị thông minh và thu hút doanh nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia như định danh số (VNeID), thanh toán số (QR code, ví điện tử), chữ ký số cá nhân và doanh nghiệp đang được tỉnh triển khai đồng bộ, với lộ trình rõ ràng, phù hợp với từng nhóm dân cư.
Với cách làm bài bản, quyết liệt, tỉnh đang đặt những viên gạch đầu tiên vững chắc cho quá trình chuyển đổi số toàn diện. Đến năm 2030, Bình Thuận không chỉ dừng lại ở một địa phương có hạ tầng số hiện đại, mà còn hướng đến việc trở thành “địa chỉ tin cậy” thu hút các doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo và các mô hình kinh tế số tiên tiến.