
Sẵn có tiềm năng
Bình Thuận nổi bật với thanh long – vùng trồng tập trung lớn nhất cả nước, cùng ngành sản xuất nước mắm truyền thống gắn liền với thương hiệu Phan Thiết và tiềm năng phát triển du lịch biển nhờ khí hậu nắng ấm quanh năm, bờ biển dài, cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa đặc sắc. Những lợi thế này, nếu được tích hợp công nghệ số và khoa học – công nghệ, sẽ tạo dư địa lớn để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Bình Thuận hiện có 4.285 trạm BTS, gồm 1.002 trạm 2G, 1.255 trạm 3G, 1.944 trạm 4G và 84 trạm 5G; 99,9% dân số được phủ sóng 3G, 4G; hơn 97% hộ gia đình kết nối internet cáp quang; hơn 1,46 triệu thuê bao di động – nền tảng vững chắc cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Cùng với đó, Bình Thuận triển khai các nền tảng điều hành hiện đại như Trung tâm điều hành thông minh (IOC), hệ thống chính quyền điện tử Bình Thuận Egov, trợ lý ảo hỗ trợ thủ tục hành chính và ứng dụng Công dân số Bình Thuận. Những công cụ này giúp nâng cao hiệu quả quản lý, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tăng tính minh bạch trong hoạt động công vụ. Ở cấp cơ sở, Bình Thuận thành lập 697 tổ công nghệ số cộng đồng với 3.418 thành viên, phủ 100% thôn, khu phố hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, cài đặt ứng dụng số…
Ông Võ Thành Công - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, cho biết: Hạ tầng viễn thông phát triển theo hướng công nghệ mới, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân và xã hội. Các hệ thống thông tin, nền tảng số và cơ sở dữ liệu được xây dựng, hỗ trợ hiệu quả công tác trên môi trường số. Dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân và công dân số được tập trung phát triển, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Thương mại điện tử dần hình thành và mở rộng. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng rãi với hình thức ngày càng đa dạng.
Không tách rời 3 “trụ cột”
Tại hội thảo “Chuyển đổi số cho Bình Thuận: Vấn đề và Giải pháp” gần đây, Phó giáo sư Tiến sĩ Hoàng Hữu Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế - Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: Chuyển đổi số thành công xác định rõ bộ 3 “trụ cột” gồm khoa học công nghệ – đổi mới sáng tạo – chuyển đổi số. Ba yếu tố này không thể tách rời, mà phải kết hợp chặt chẽ với nhau trong một chu trình hoàn chỉnh, từ ý tưởng sáng tạo, ứng dụng công nghệ, đến sản phẩm có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế rõ ràng. Chuyển đổi số không chỉ là số hóa thông tin mà là chuyển đổi tư duy, từ nghiên cứu sang hành động, từ ý tưởng sang sản phẩm.
Theo Tiến sĩ Hạnh, với thế mạnh về nông nghiệp, sản phẩm truyền thống, Bình Thuận hoàn toàn có thể ứng dụng mô hình này để nâng cao giá trị sản phẩm và gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường. Chẳng hạn, về cây thanh long – sản phẩm đặc trưng của tỉnh – việc tích hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc, thông tin về giống cây, quy trình canh tác, thời tiết và thổ nhưỡng sẽ tạo ra giá trị gia tăng rõ rệt. Dữ liệu này, khi được xử lý bằng công nghệ số, giúp minh bạch hóa quy trình sản xuất và nâng cao độ tin cậy của sản phẩm trên thị trường.
Tương tự, ứng dụng khoa học vào sản xuất nước mắm truyền thống để phân tích hàm lượng dinh dưỡng, thành phần vi sinh, chỉ tiêu an toàn thực phẩm… có thể giúp nước mắm không chỉ là một sản phẩm tiêu dùng mà còn trở thành sản phẩm khoa học – ứng dụng trong dinh dưỡng và chế biến thực phẩm. Kết hợp với công nghệ số như giám sát nhà xưởng, quy trình bảo quản và truy xuất chất lượng, nước mắm Bình Thuận sẽ có khả năng nâng tầm trên thị trường nội địa và quốc tế.
Các sản phẩm OCOP, nếu không tích hợp yếu tố khoa học và công nghệ, sẽ khó đạt được tính cạnh tranh và khả năng mở rộng thị trường. Người tiêu dùng hiện đại cần biết rõ sản phẩm họ đang sử dụng có gì tốt, sử dụng như thế nào hiệu quả, và giá trị mà nó mang lại. Lúc này, vai trò của công nghệ số trong việc gia tăng niềm tin của người tiêu dùng.
Với du lịch, công nghệ số càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Việc quảng bá các điểm đến, giới thiệu nét đặc trưng của địa phương… phải được thực hiện thông qua các nền tảng truyền thông hiện đại. Bằng cách đó, Bình Thuận có thể truyền cảm hứng, kéo du khách đến với mình bằng trải nghiệm thực, chạm được – cảm được – nhìn thấy được, thay vì bằng lời nói.
Phá vỡ rào cản
Câu chuyện ứng dụng chuyển đổi số cũng gặp khó khăn về rào cản pháp lý. Bình Thuận cần bám sát các chính sách quốc gia. Đồng thời, chủ động cập nhật các hướng dẫn từ Bộ Khoa học & Công nghệ, nhất là về trách nhiệm triển khai, các quy chuẩn – tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn dữ liệu. Một yếu tố mang tính chiến lược là liên kết vùng. Theo Nghị quyết 60 của Ban Chấp hành Trung ương, 3 địa phương Lâm Đồng – Bình Thuận – Đắk Nông sẽ hợp nhất tỉnh. Khi đó, mô hình tỉnh mới sẽ có sự đa dạng về địa hình, dân cư và văn hóa. Bài toán đặt ra là làm sao để kết nối sản phẩm du lịch, nông nghiệp, dịch vụ giữa các vùng trung du, miền núi và ven biển một cách hiệu quả – có tính hệ sinh thái và đồng bộ. Liên kết không tốt sẽ tạo ra rào cản; nhưng nếu làm tốt, chính liên kết ấy lại là điểm bật tạo ra cái mới.
Chính sách và sáng tạo xuất phát từ thực tiễn địa phương, đồng thời ứng dụng công nghệ nhằm đưa những giá trị thực tiễn đó đến gần hơn với người dân và thị trường. Ý tưởng sáng tạo có thể hình thành từ hai hướng chủ đạo: Thứ nhất, tận dụng tối đa kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học để tạo ra những sản phẩm có giá trị thực tiễn cao. Thứ hai, trong quá trình ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, sẽ phát sinh những ý tưởng mới nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận khách hàng, cũng như tổ chức lại phương thức kinh doanh theo hướng linh hoạt, hiệu quả hơn. Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Hạnh.
Có thể nói rằng, Bình Thuận không thiếu tiềm năng – điều cần thiết là biến tiềm năng thành kết quả cụ thể, nhờ vào sự kết nối giữa khoa học, công nghệ và cộng đồng sáng tạo. Để làm được điều đó, là một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ, nơi mà các ý tưởng sáng tạo được nuôi dưỡng, thử nghiệm... Từ đó, các giá trị địa phương mới có thể vươn xa, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.