Đánh bắt hủy diệt, hậu quả khôn lường!

07/12/2023, 05:23

Những năm gần đây, nhiều ngư dân đã bất chấp sử dụng các phương pháp mang tính hủy diệt môi trường và nguồn lợi như: xung điện, chất nổ, chất độc, ánh sáng mạnh, mắt lưới nhỏ, cào xới nền đáy, ngư cụ không có tính chọn lọc cao (lưới kéo, rập xếp...), đánh bắt con non, khiến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng.

Môi trường sinh thái bị đe dọa

Đó là thực trạng mà cử tri các địa phương có biển như Phan Rí Cửa, Phước Thể, Bình Thạnh (huyện Tuy Phong)… kiến nghị rất nhiều. Họ lo lắng nếu tình trạng này kéo dài, sẽ làm cho trữ lượng và thành phần loài hải sản ở vùng biển ven bờ của tỉnh ngày càng bị suy giảm trầm trọng, môi trường sinh thái và nền đáy biển bị tàn phá, số lượng loài thủy sản có nguy cơ tuyệt chủng và cạn kiệt ngày càng gia tăng. Hậu quả là tháng 10/2017, Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” do vi phạm đánh bắt không theo quy định (IUU). Đến nay, nguy cơ bị phạt “thẻ đỏ” rất cao, nếu Việt Nam vẫn còn tiếp diễn tình trạng này.

mua-ca-nam-anh-n.-lan-21-.jpg
Ngư dân Bình Thuận vào mùa khai thác hải sản.

Nhận thức được mối nguy hại này, tỉnh Bình Thuận đã tập trung triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp, hành động cụ thể. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật mang tính đặc thù của địa phương nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác hủy diệt đã được UBND tỉnh ban hành từ những năm 1997 như: Quyết định số 1336/QĐ/UB-BT ngày 1/7/1997 ban hành quy định bổ sung về quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Chỉ thị số 41 ngày 3/8/1998 về tăng cường quản lý hoạt động lặn hải sản; Chỉ thị số 48/CT-UBND ngày 14/12/2006 về cấm nghề giã cào bay hoạt động tại vùng biển ven bờ tỉnh Bình Thuận… Hay những chỉ thị, quy định về quản lý nghề bẫy bắt tôm hùm con tại vùng biển Bình Thuận; Quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo trên vùng biển tỉnh Bình Thuận...

Bên cạnh đó, tỉnh đã nỗ lực giảm thiểu hoạt động khai thác hủy diệt, tái cơ cấu nghề khai thác hải sản theo hướng phát triển bền vững, gắn với hành động phòng chống đánh bắt IUU thông qua các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển ngành thủy sản. Trong đó, trực tiếp nhất là Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 về kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh với mục tiêu rõ ràng, cụ thể “tập trung ngăn chặn có hiệu quả, chấm dứt các hoạt động khai thác tác động tiêu cực, hủy hoại môi trường, nguồn lợi hải sản”.

thuyen-thung-anh-nl-4-.jpg
Nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng do đánh bắt kiểu tận diệt. Ảnh: N.Lân

Song song đó, Sở Nông nghiệp và PTNT xác định công tác tuyên truyền là giải pháp hàng đầu, có vai trò “đặc biệt quan trọng” để thay đổi ý thức và hành vi của người dân. Từ năm 2019 đến nay, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 102 lớp/5.706 lượt ngư dân, cấp phát 25.139 tờ rơi, thực hiện 215.577 tin nhắn di động, hàng trăm lượt phát thanh loa đài, lắp đặt các pano, phóng sự chuyên đề, cấp phát hàng ngàn móc khóa; tổ chức hội thi tìm hiểu Luật Thủy sản…

data-news-2019-4-116624-o.jpg
Thanh tra Thủy sản phát hiện thuyền thúng sử dụng công cụ kích điện.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Bên cạnh tuyên truyền, lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm quy định cấm sử dụng, kiên quyết xử lý triệt để, tạo tính răn đe cao cho người dân. Giai đoạn từ năm 2019 đến nay, ngành chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 462 vụ; trong đó, nhiều nhất là hành vi tàng trữ ngư cụ cấm (116 vụ), công cụ kích điện (185 vụ). Ngoài ra, việc theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) được quan tâm. Qua đó, cảnh báo, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp tàu cá hoạt động sai vùng.

data-news-2019-4-116624-o1.jpg
Bộ công cụ kích điện được bán tràn lan.

Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, nhằm ngăn chặn có hiệu quả, chấm dứt các hoạt động khai thác có tác động tiêu cực, hủy hoại môi trường, nguồn lợi hải sản trên vùng biển của tỉnh, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân một cách sâu rộng, hình thức phù hợp, phong phú. Song song đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn ngay từ đầu việc du nhập các ngư cụ, phương pháp khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi...

z4685577649769_df8f0938125d8bf68c76781fb49acf74.jpg
Chi cục Thủy sản thả sò lông tái tạo nguồn lợi.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy nhanh triển khai Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản và sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng tỉnh Bình Thuận”, làm cơ sở tiến tới xây dựng kế hoạch (hoặc đề án) chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, sẽ đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ sung danh mục các nghề, ngư cụ cấm trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu các giải pháp để quản lý, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác hải đặc sản non bán làm thức ăn cho nuôi trồng thủy sản. Nhân rộng, phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với thực hiện phòng, chống đánh bắt IUU tại vùng biển ven bờ của tỉnh...

Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước về năng lực tàu cá và sản lượng hải sản khai thác. Qua rà soát thống kê, toàn tỉnh có trên 7.500 tàu cá có chiều dài từ trên 6 m, hoạt động khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh tập trung vào 9 nhóm nghề chính như: Lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu, pha xúc, lưới mành, lưới chụp, bẫy, lặn...

MINH VÂN

Related articles
Hoạt động đánh bắt thủy sản gặp khó do thời tiết không thuận lợi
Theo Sở NN&PTNT, trong quý I/2023, tình hình thời tiết ít thuận lợi (gió đông bắc thổi mạnh, nước đục và chảy xiết) nên hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân bị ảnh hưởng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh bắt hủy diệt, hậu quả khôn lường!