Đằng sau việc Australia lần đầu tiên tổ chức hội nghị ngoại trưởng QUAD

11/02/2022, 08:54

Với việc lần đầu tiên tổ chức hội nghị ngoại trưởng của nhóm Bộ Tứ (QUAD), Australia đang nỗ lực làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác trong khu vực giữa bối cảnh “cạnh tranh chiến lược, các mối đe dọa đối với trật tự quốc tế tự do và sự bất ổn ngày càng gia tăng”.

Hôm nay (11/2), tại thành phố Melbourne, Australia khai mạc hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Bộ Tứ (QUAD), với sự tham dự của ngoại trưởng các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. Đây là cuộc họp trực tiếp đầu tiên trong năm nay và cũng là lần đầu tiên ngoại trưởng các nước trong nhóm QUAD gặp mặt trực tiếp kể từ tháng 10/2020. Cuộc gặp trực tiếp của ngoại trưởng 4 nước lần này thể hiện cam kết lâu dài của Bộ Tứ (QUAD) trong việc thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Thảo luận về những vấn đề quan trọng

Trong thông cáo báo chí đưa ra vào ngày hôm qua (11/2), Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho biết tại hội nghị Ngoại trưởng nhóm Bộ Tứ vào ngày hôm nay, các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ thảo luận về việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 trong khu vực, công nghệ mạng và công nghệ quan trọng, thảo luận cách thức chống lại thông tin sai lệch, chống khủng bố, an ninh hàng hải, nhân đạo và ứng phó với thảm họa, và biến đổi khí hậu.

Đồng thời, Bộ Tứ cũng sẽ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực, bao gồm cả việc hỗ trợ triển khai thực tế Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sau khi cung cấp hơn 505 triệu liều vaccine trong tổng số 1,3 tỷ liều vaccine mà các thành viên Bộ Tứ đã cam kết trên quy mô toàn cầu, các nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ khu vực phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Về điểm nóng hiện tại là Ukraine, dư luận Australia cho rằng, trong cuộc họp hôm nay, các Bộ trưởng nhiều khả năng cũng thảo luận tình hình Ukraine, tuy vậy, vì mức độ quan hệ giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia với Nga rất khác nhau nên sẽ khó có khả năng Bộ Tứ có tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề này.

Ngoài các nội dung cụ thể, dư luận cũng quan tâm về vấn đề chiến lược như việc Bộ Tứ tìm ra được cách để giữ vững động lực của hợp tác để cơ chế này không bị lu mờ khi đại dịch ngày càng thuyên giảm hay thế giới xuất hiện các điểm nóng mới. Đồng thời, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược phức tạp, việc Bộ Tứ xây dựng được chương trình nghị sự hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm và ủng hộ cũng là những vấn đề rất quan trọng để đảm bảo vị thế của cơ chế này trong khu vực.

Phản ứng trước cam kết “xoay trục” của Mỹ

Ngoài thông điệp mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra trước khi tới Melbourne cho đến lúc này mới chỉ có Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne ra thông cáo về Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao nhóm Bộ Tứ tổ chức vào ngày hôm nay, tuy nhiên trong đó lại không đề cập tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ. Như vậy là về mặt chính thức thì các bên chưa đưa ra phản ứng cụ thể nào.

Tuy vậy, không khó để thấy rằng, cả 3 quốc gia còn lại là Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều mong mỏi điều này nên có thể thấy tuyên bố của Mỹ đã phần nào trấn an 3 thành viên còn lại của nhóm. Trong bối cảnh thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào tình hình tại Ukraine, việc Mỹ cho biết thông điệp chính mà Ngoại trưởng Antony Blinken gửi tới khu vực là để tái khẳng định việc xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương cho thấy Mỹ vẫn không hề lơ là mà vẫn đang rất quan tâm tới khu vực. Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược và cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực, cũng như khiến cho Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cảm thấy an lòng hơn.

Thế nhưng, ngoài tuyên bố này thì 3 quốc gia còn lại của Bộ Tứ vẫn rất thận trọng và chờ Mỹ sẽ thể hiện điều này như thế nào tại cuộc họp ngày hôm nay. Nhật Bản, Ấn Độ và Australia có lẽ đang chờ đợi Mỹ có những hành động tương ứng với tuyên bố mà họ đưa ra trước đó.

Vai trò của Australia trong QUAD

Trong những năm gần đây, Australia đã đồng loạt đẩy mạnh quan hệ song phương và trong khuôn khổ đa phương với các nước trong khu vực, trong đó cơ chế Bộ Tứ chỉ là một trong số đó.

Bộ Tứ được hình thành vào năm 2017 nhưng cho đến khi dịch Covid-19 xuất hiện vào năm 2020 thì dư luận mới nhìn thấy rõ sự chủ động của Australia tham gia vào cơ chế này. Điều này được thể hiện thông qua các tuyên bố và hành động thúc đẩy hợp tác của Australia trong khuôn khổ Bộ Tứ bởi với Australia, đây là cơ chế tạo ra sự cân bằng trong khu vực, điều mà Australia đang rất cần để qua đó có thể gia tăng tiếng nói và vị thế của mình, cũng như giảm bớt sự chèn ép và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương, khu vực vốn gần gũi và thân thiết với Australia trong hàng chục năm qua.

Đáng chú ý, Australia còn thông qua việc nhanh chóng cải thiện quan hệ với Ấn Độ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 6/2020 để củng cố nền tảng, tạo cơ sở cho hợp tác trong khuôn khổ Bộ Tứ được tin cậy và bền chặt hơn. Ấn Độ vốn là quốc gia mà Australia không có quan hệ chặt chẽ như với đồng minh Mỹ hay với đối tác tin cậy Nhật Bản. Vì vậy, việc cải thiện quan hệ song phương với Ấn Độ giúp gia tăng niềm tin và tạo cơ hội để hợp tác trong khuôn khổ Bộ Tứ được sâu sắc hơn. Sau động thái này, từ cuối năm 2020, Australia đã được Ấn Độ mời quay trở lại tham gia tập trận Malabar và đưa cuộc tập trận này trở thành hoạt động quân sự hợp tác chung giữa 4 quốc gia thành viên Bộ Tứ./.

VOV.VN

Related articles
Lý do Đức né tránh “nói thẳng” về trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2
Thủ tướng Olaf Scholz bày tỏ Đức có chung quan điểm với Mỹ về Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng ông không trực tiếp nói thẳng về các biện pháp trừng phạt đối với đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau việc Australia lần đầu tiên tổ chức hội nghị ngoại trưởng QUAD