Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đặc biệt là ảnh hưởng từ căng thẳng Nga - Ukraine, chưa kể tác động của biến đổi khí hậu, việc thắt chặt xuất khẩu gạo của Ấn Độ… cho thấy nguồn cung lương thực đang ngày càng trở thành một vấn đề quan trọng.
Trong tháng 10/2022, IMF đánh giá có tới 20 quốc gia, đa số ở châu Phi, có thể cần viện trợ khẩn cấp nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Giám đốc Điều hành của IMF Kristalina Georgieva cho biết, có khoảng 141 triệu người ở Arab phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực. Trong tháng 9/2022, IMF cũng đã cảnh báo cuộc xung đột tại Ukraine đã làm gián đoạn dòng chảy ngũ cốc và phân bón, dẫn đến cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2007 - 2008, với khoảng 345 triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu đói tới mức đe dọa tính mạng của họ. Mặc dù giá lương thực toàn cầu có giảm và việc xuất khẩu ngũ cốc từ biển Đen được nối lại, nhưng số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn thế giới dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng…
Tại Bình Thuận, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh, vai trò đảm bảo an ninh lương thực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Đặc biệt là trong giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, quy hoạch đất lúa của tỉnh được giữ vững gắn với việc đầu tư và phát huy hiệu quả về thủy lợi góp phần mở rộng diện tích sản xuất, các biện pháp thời vụ được chỉ đạo kịp thời, đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tổ chức phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nên sản lượng lương thực tăng. Bên cạnh đó, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực, qua đó giúp cho nông dân có cơ hội, điều kiện để thâm canh, tăng vụ, rút ngắn thời gian gieo trồng. Kết quả, năng suất, chất lượng một số cây trồng chủ lực, lợi thế của tỉnh, nhất là cây lúa, thanh long, thực phẩm… Đặc biệt sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát triển theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của nhân dân. Vấn đề an ninh lương thực luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn bởi vì vấn đề an ninh lương thực luôn hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia. Thời gian tới, an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn khi dân số tiếp tục tăng, thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tốc độ đô thị hóa nhanh, dịch bệnh xảy ra bất thường… Đây là mặt hàng thiết yếu, cần thiết, phải ổn định trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Xác định vấn đề an ninh lương thực quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn mới, Bình Thuận đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 và năm 2030, toàn tỉnh đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực với sản lượng cao hơn tốc độ tăng dân số của tỉnh. Nâng cao chất lượng, dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày của người dân. Để đạt mục tiêu đề ra, ngoài thực hiện quy hoạch phát triển các ngành, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 đã được phê duyệt, tỉnh còn điều chỉnh quy hoạch ngành, sản phẩm nông nghiệp với quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất lương thực tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo giữ ổn định diện tích lúa 46.000 ha theo quy hoạch đến năm 2020 và 45.000 ha đến năm 2030, làm cơ sở để phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực địa phương.
Tuy nhiên sản xuất lương thực trên địa bàn tỉnh còn thiếu vững chắc trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tiêu thụ còn ít, trình độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa cao và chưa phát triển toàn diện… Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh không chỉ chú trọng tuyên truyền, vận động mà cần có chính sách hỗ trợ thiết thực. Đồng thời phải có biện pháp tích cực và hiệu quả để thúc đẩy sản xuất. Huy động từ nhiều nguồn lực để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất lương thực. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lương thực, gắn với thực hiện các mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…