Cuộc đua nước rút gay cấn cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh

22/07/2022, 17:05

Theo giới quan sát, tỷ lệ ủng hộ không quá cách biệt giữa hai ứng viên cuối cùng là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss đang báo hiệu một cuộc đua nước rút gay cấn.

Sau 5 vòng bỏ phiếu liên tiếp, các nghị sị đảng Bảo thủ tại Anh đã lựa chọn được 2 ứng viên cuối cùng cho vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền và đảm nhiệm cương vị Thủ tướng thay cho ông Boris Johnson. Hai nhân vật gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss sẽ tiếp tục ganh đua trong vòng bỏ phiếu cuối cùng đầy cam go khi toàn bộ khoảng 170.000 đảng viên của đảng Bảo thủ sẽ cùng tham gia bỏ phiếu từ cuối tháng 8 đến hết ngày 2/9 tới.

Thế mạnh và hạn chế của hai ứng viên

Ngay từ khi Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp khó khăn và đứng trước áp lực buộc phải từ chức, giới quan sát chính trị tại Anh đã ngay lập tức nhắc đến ông Rishi Sunak và bà Liz Truss như là những ứng cử viên tiềm năng nhất có thể thay ông Boris Johnson trên cương vị lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh.

Bà Liz Truss thậm chí còn được nhắc đến rất nhiều trong khoảng 1 năm nay, đặc biệt trong giai đoạn ông Boris Johnson bị điều tra về bê bối tổ chức tiệc tùng trong Văn phòng Thủ tướng vào thời điểm toàn bộ nước Anh đang thực hiện các biện pháp phong toả để chống dịch Covid-19, trong năm 2020 và 2021.

Ngay khi đó, giới quan sát đã nhận thấy các động thái tập hợp lực lượng âm thầm rất tham vọng của bà Liz Truss, cũng như các biểu hiện xây dựng hình ảnh cá nhân rất rõ nét của bà Liz Truss trên mặt trận đối ngoại, điển hình là việc đi thăm binh sĩ Anh đồn trú tại Estonia và đứng trên xe tăng, một hình ảnh tạo liên tưởng rất lớn đến “Bà Đầm thép”, tức cựu Thủ tướng Anh của đảng Bảo thủ, Margaret Thatcher thời Chiến tranh Lạnh.

Mặc dù sau đó bà Liz Truss đã rất thận trọng không thể hiện quá công khai tham vọng của mình, đồng thời luôn tuyên bố “trung thành” với ông Boris Johnson nhưng từ lâu nay, ai cũng hiểu rằng tham vọng của bà Liz Truss không dừng lại ở ghế Ngoại trưởng Anh.

Thực ra, đây cũng chính là thế mạnh của bà Liz Truss bởi trong số tất cả 11 ƯCV tham gia cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ, không gương mặt nào, kể cả ông Rishi Sunak, được biết đến trong dân chúng Anh và trên thế giới như bà Liz Truss. Bằng việc thể hiện mình như là một trong chính trị gia có quan điểm cứng rắn nhất đối với Nga trong xung đột Nga - Ukraine cũng như có các cách tiếp cận đôi khi bị xem là “diều hâu” trong các vấn đề đối ngoại, từ quan hệ với Nga, giao thiệp với Trung Quốc cho đến giải quyết các khúc mắc hậu Brexit với EU, bà Liz Truss đã và đang tạo dựng được cho mình hình ảnh một “lãnh đạo thời chiến”, điều có thể rất có giá trị đối với các cử tri của đảng Bảo thủ vốn đang ngày càng có xu hướng nghiêng theo hướng cực hữu vào thời điểm này.

Ngoài ra, một chiến lược khác của bà Liz Truss đó là thể hiện việc trung thành với ông Boris Johnson đến cùng. Đầu tháng 7/2022, khi làn sóng các Bộ trưởng từ chức lên đến đỉnh điểm để gây sức ép buộc ông Boris Johnson từ chức, bà Liz Truss vẫn tiếp tục giữ chức Ngoại trưởng. Hành động này có thể giúp bà Liz Truss thu hút được một lượng khá lớn các cử tri ủng hộ ông Boris Johnson bởi dù xảy ra rất nhiều tranh cãi và uy tín sụt giảm mạnh nhưng ông Boris Johnson dù sao cũng là người đưa đảng Bảo thủ giành số ghế cao nhất tại Nghị viện Anh trong 4 thập kỷ qua.

Về tổng thể, chiến lược truyền thông chính trị của bà Liz Truss đến thời điểm này có thể xem là thành công bởi hầu như không mấy người nhắc đến các sơ suất hay các tuyên bố được xem là thiếu chân thật của bà trong quá khứ, như việc bà Liz Truss vốn xuất thân từ đảng Lib-Dems (Dân chủ tự do) và từng là người phản đối Brexit năm 2016.

Ngoài các thế mạnh trên, điểm yếu lớn nhất của bà Liz Truss hiện nay có lẽ là việc chưa có một chính sách kinh tế đủ thuyết phục. Giống như đa số các ƯCV khác trong cuộc đua ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ, bà Liz Truss hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế, thực hiện các chính sách đầu tư công táo bạo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Anh, nhưng lại không nói rõ là sẽ bù đắp các phần thiếu hụt khi cắt giảm thuế bằng cách nào.

Điểm yếu này của bà Liz Truss càng trở nên nổi bật hơn khi đặt trong so sánh với các chương trình kinh tế của ông Rishi Sunak. Từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Anh trong suốt giai đoạn 2 năm có thể nói là nhiều thử thách nhất đối với nền kinh tế Anh, nên kinh tế là lĩnh vực thế mạnh của ông Rishi Sunak. Ông Rishi Sunak cũng làm nổi bật thế mạnh này của mình trong các vòng bỏ phiếu vừa qua khi là ƯCV duy nhất phản đối việc cắt giảm thuế.

Khác với bà Liz Truss và các ƯCV khác, ông Rishi Sunak chủ trương siết chặt việc kiểm soát nợ công khi cho rằng các lời hứa hẹn cắt giảm thuế từ các ƯCV khác chỉ là “câu chuyện cổ tích” đồng thời nhận định rằng nếu không siết chặt nợ công vốn đã phình rất to sau Covid-19 thì đến năm 2050, nợ công của nước Anh có thể lên tới 350% và nền kinh tế sẽ sụp đổ. Vì thế, trong các tranh luận về chính sách kinh tế, ông Rishi Sunak đã thể hiện mình có sự khác biệt, nắm chắc vấn đề và có thể là có cái nhìn thực tế hơn so với các ƯCV khác.

Tuy nhiên, ông Rishi Sunak cũng có những bất lợi vì vấn đề cá nhân. Cách đây vài tháng, truyền thông Anh từng phát hiện rằng ông Rishi Sunak từng có thẻ Xanh để cư trú dài hạn tại Mỹ cho đến tận năm 2021 và vợ ông không đóng thuế tại Anh mà ở các “thiên đường thuế”. So với tất cả các đối thủ khác, ông Rishi Sunak và gia đình có một nền tảng tài chính hùng mạnh nhưng đó có thể cũng sẽ là yếu tố bị soi xét. Cuối cùng, việc ông Rishi Sunak xuất thân trong một gia đình nhập cư Ấn Độ cũng là yếu tố rất khó dự đoán là sẽ có tác động ra sao đến tâm lý của cử tri đảng Bảo thủ.

Dự đoán từ những cuộc thăm dò dư luận

Các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện dựa trên các thuật toán chặt chẽ nên đa số đều có độ tin cậy cao. Trong thời gian gần đây, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận tại Anh hay châu Âu đối với các sự kiện lớn như bầu cử, trưng cầu ý dân… đều có kết quả tương đối sát với thực tế.

Việc bà Liz Truss được dự đoán có số phiếu cao hơn ông Rishi Sunak trong vòng bỏ phiếu cuối cùng của từ 160.000 đến 200.000 đảng viên đảng Bảo thủ không phải là điều bất ngờ, dù ông Rishi Sunak luôn dẫn đầu trong 5 vòng bỏ phiếu sơ loại vừa qua.

Nguyên nhân là 5 vòng sơ loại vừa qua đều chỉ là cuộc bỏ phiếu của 358 nghị sĩ của đảng Bảo thủ. Đây có thể xem là giới tinh hoa của đảng Bảo thủ và quan điểm, cách đánh giá, các ưu tiên lựa chọn của 358 người này chắc chắn có sự khác biệt lớn với đám đông hàng trăm ngàn đảng viên đảng Bảo thủ. Việc ông Rishi Sunak luôn giành được nhiều phiếu ủng hộ nhất của các nghị sĩ đảng Bảo thủ thể hiện việc ông Rishi Sunak đã xây dựng được một mạng lưới rộng lớn trong giới lãnh đạo đảng Bảo thủ. Ông Rishi Sunak và gia đình là những người rất có quyền lực trong giới tài chính và quyền lực này có lẽ đã được phát huy trong giới tinh hoa đảng Bảo thủ. Các nghị sĩ đảng Bảo thủ có lẽ cũng có sự đánh giá cao và tin tưởng nhiều hơn vào ông Rishi Sunak trong việc điều hành kinh tế.

Tuy nhiên, khi phải đưa ra bỏ phiếu trước hàng trăm ngàn đảng viên đảng Bảo thủ thì đó lại là câu chuyện khác. Các đảng viên bình dân của đảng Bảo thủ có các ưu tiên lựa chọn khác các nghị sĩ tinh hoa của đảng. Họ có thể bị thu hút nhiều hơn bởi hứa hẹn cắt giảm thuế ngay lập tức để gia tăng sức mua của bà Liz Truss hơn là lo lắng cho việc nợ công của nước Anh tăng cao.

Ngoài ra, điều quan trọng hơn là tính văn hoá và xu hướng chính trị. Từ sau Brexit, đảng Bảo thủ đang ngày càng có xu hướng trở nên “hữu” hơn, đôi khi có các chính sách đụng chạm đến ranh giới của cực hữu, như các ví dụ mới nhất về việc trục xuất người xin tị nạn về Rwanda, đe doạ sử dụng quân đội để ngăn người tị nạn từ châu Âu trên biển Manche, hay việc tuyên bố sẵn sàng vi phạm các hiệp ước quốc tế đã ký - tức thoả thuận Brexit nhằm thay đổi điều khoản Bắc Ireland.

Do đó, việc bà Liz Truss thời gian theo đuổi đường lối cứng rắn được xem là yếu tố giúp bà Liz Truss thu hút được nhiều sự ủng hộ từ phe hữu trong đảng Bảo thủ, những người có các đặc trưng là da trắng, trung lưu, thường ở độ tuổi trên 50 và xu hướng trung thành với các giá trị bảo thủ.

Trong bối cảnh đó, việc ông Rishi Sunak hiện bị đánh giá thấp hơn bà Liz Truss không phải là điều khó hiểu. Các phe chống ông Rishi Sunak đang chỉ trích ông Sunak là quá “ôn hoà”, thể hiện hình ảnh một lãnh đạo quá “tròn vai”.

Ngoài vấn đề kinh tế, ông Rishi Sunak cũng hầu như chưa có tuyên bố mạnh mẽ nào về các vấn đề quốc tế lớn như xung đột Nga-Ukraine. Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Rishi Sunak thời gian trước còn có ý thúc đẩy việc nối lại các đối thoại thương mại-đầu tư chiến lược với Trung Quốc. Những biểu hiện có thể là lí trí và thực tế này lại rất dễ bị xem là mềm yếu, nhất là khi nền chính trị phương Tây đang sục sôi xu hướng đối đầu với Nga và Trung Quốc như hiện nay.

Cuối cùng, là vấn đề văn hoá. Không ai biết liệu các cử tri da trắng mang nặng tinh thần dân tộc chủ nghĩa và các giá trị bảo thủ của đảng Bảo thủ đã có thể chấp nhận một người xuất thân từ gia đình nhập cư lên nắm giữ cương vị cao nhất trong nền chính trị Anh hay chưa? Đây là yếu tố không bao giờ được phép xem nhẹ trong nền chính trị phương Tây.

Yếu tố quyết định để tìm ra lãnh đạo đảng mới

Bà Liz Truss và ông Rishi Sunak sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào ngày 25/7 tới và sau đó sẽ có hơn 1 tháng để vận động các cử tri đảng Bảo thủ. Các lá phiếu bầu sẽ được phát đến các đảng viên đảng Bảo thủ ngay từ đầu tháng 08/2022 và đến ngày 2/9 việc bỏ phiếu sẽ kết thúc. Tuy nhiên, đa số các đảng viên đảng Bảo thủ sẽ chỉ đưa ra lựa chọn trong giai đoạn cuối, sau khi đã nghe đủ các cương lĩnh tranh cử của 2 ƯCV.

Trước mắt, chính sách kinh tế đang là tâm điểm của các tranh luận giữa bà Liz Truss và ông Rishi Sunak, từ việc cắt giảm thuế, cải cách hệ thống thuế, gia tăng đầu tư công cho y tế, giáo dục… Hai bên đang có các quan điểm hoàn toàn khác biệt và sẽ cần chứng minh luận điểm của mình trong thời gian tới. Các chủ đề lớn tiếp theo chắc chắn sẽ là về chính sách đối ngoại, đặc biệt là chính sách của Anh đối với xung đột Nga - Ukraine hay việc giải quyết nguy cơ đối đầu với EU trong vấn đề Bắc Ireland của thoả thuận Brexit. Cả bà Liz Truss lẫn ông Rishi Sunak đều có thế mạnh riêng trong từng lĩnh vực nên rất khó nói đâu sẽ là yếu tố mang tính quyết định thắng-bại.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận trong hơn 1 tuần qua cũng đã chỉ ra một số gợi ý rất đáng quan tâm. Đó là mặc dù luôn được đánh giá sẽ về nhất trong các vòng sơ loại do các nghị sĩ đảng Bảo thủ bầu chọn nhưng khi vào đến vòng cuối cùng, ông Rishi Sunak lại luôn được dự đoán sẽ thất bại, dù đối thủ là ai.

Từ bà Liz Truss, bà Penny Mordaunt hay thậm chí là bà Kemi Badenoch đều được dự đoán sẽ chiến thắng nếu đối đầu với ông Rishi Sunak trong cuộc bỏ phiếu của các đảng viên đảng Bảo thủ. Vì thế, yếu tố quyết định ở đây có lẽ là đánh giá của các đảng viên đảng Bảo thủ đối với các ƯCV, đặc biệt là với cá nhân ông Rishi Sunak. Họ có lẽ không quá chú trọng đến năng lực điều hành kinh tế của ông Rishi Sunak mà lại để tâm nhiều hơn đến các khía cạnh khác, như quan điểm bị cho là quá ôn hoà của ông Rishi Sunak, việc ông Sunak bị nhiều người ủng hộ Thủ tướng Boris Johnson chỉ trích là đã “phản bội” ông Johnson và bị xem là người đứng sau sự kiện được không ít người ủng hộ ông Boris Johnson gọi “đảo chính nội bộ” trong chính phủ Anh. Ngay cả việc ông Rishi Sunak và gia đình có gia sản lớn cũng có thể bị soi xét./.

VOV.VN

Related articles
Phản ứng quốc tế khi Nga - Ukraine sắp ký thỏa thuận dỡ phong tỏa cảng Biển Đen
Cộng đồng quốc tế đã có phản ứng tích cực trước thông tin Nga và Ukraine sắp ký thỏa thuận dỡ phong tỏa cảng Biển Đen với kỳ vọng cơn sốt giá lương thực trên thế giới sẽ được xoa dịu.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc đua nước rút gay cấn cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh