Đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, ý kiến chỉ đạo về sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Tuy vậy, vẫn còn bao trăn trở và lo toan, làm gì đây, bằng cách nào, giải pháp đột phá bắt đầu từ đâu để thầy dạy tốt, trò học tốt – thực sự là cuộc cách mạng đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà?
Thông qua nhà báo lão thành Nguyễn Kim Toàn, người hai lần vượt Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thân phụ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, tôi điện thoại cho Bộ trưởng, hỏi gọn đáp nhanh:
- Xin “Tư lệnh” ngành cho biết, năm học mới cần có giải pháp đột phá gì để đổi mới dạy và học, trò học tốt, cô thầy dạy tốt?
Trong sự bộn bề công việc trước ngày khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời rất gọn: “Chúng ta đào tạo thế hệ công dân toàn cầu. Cách học nhồi nhét kiến thức như trước đây đã lạc hậu. Để làm công dân toàn cầu là học thật, vận dụng kiến thức thật, rèn giũa người trẻ có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp của thời đại công nghệ số, ngoại ngữ thuần thục. Đổi mới giáo dục trước hết phải đổi mới từ cô thầy, từ soạn giáo án, lên lớp, kiểm tra bài học sinh, bắt đầu bằng từ khóa Chủ động – Sáng tạo, không quá lệ thuộc sách giáo khoa, học sinh tham gia nhiều chương trình ngoại khóa - học mà chơi, chơi mà học”.
Tư lệnh ngành giáo dục – đào tạo có ý kiến xác đáng; là sự tổng kết, thậm chí đã phải trả giá từ thực tiễn cuộc sống dạy và học từ các nhà trường. Và đã đến lúc việc dạy học không thể khoán trắng cho cô thầy mà các bậc cha mẹ cần sự đồng hành, cùng kiến tạo, không gây áp lực cho con em mình học giỏi chỉ vì bệnh thành tích, PR cho chính mình – bắt con phải học để lấy điểm giỏi làm trang sức cho cha mẹ.
Một trường nọ, hiệu trưởng giỏi chuyên môn, có năng lực quản lý, không máy móc kiểm tra giáo án theo lối cũ, khuyến khích tinh thần chủ động sáng tạo của giáo viên. Đến giờ ngoại khóa môn sử, cả lớp ra trước ngõ hỏi đáp về đại lộ Xuân Thủy chạy qua cổng trường để hiểu Xuân Thủy là nhà lãnh đạo như thế nào, quê hương của ông ở đâu? Học sinh nào thuộc thơ của Xuân Thủy có thể đọc. Nhiều ý kiến trả lời cô giáo, cô giáo giải thích rõ ràng, rành mạch, ngắn gọn thân thế và sự nghiệp cụ Xuân Thủy. Vậy là xong một tiết học sử, vừa sinh động, vừa dễ nhớ, cô trò tương tác thân tình.
Học sinh lớp 9 một trường ở Đồng Nai chỉ cách Phan Thiết hơn 40 km. Trong tiết học sử về lãnh tụ Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, thầy giáo tổ chức cho các em trải nghiệm thực tế, tham quan trường Dục Thanh. Tới khu di tích Dục Thanh, cô thuyết minh dành 30 phút giới thiệu cho các em cuộc hành trình tìm đường cứu nước của thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành, tiết học tại Dục Thanh sinh động, thuyết phục, có sức lôi cuốn.
Lại nói về một tiết học liên quan đến môn giáo dục công dân và “Tam nông”, thầy giáo mời bác nông dân sản xuất giỏi từ xã lên. Chính bác ấy là sự hiện thân của “Tam nông” – bác ấy là nông dân trồng lúa, trồng khoai, chăn nuôi heo gà, nông dân là nhân vật trung tâm của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuần sau đó, giờ ngoại khóa cả lớp được bác mời về trang trại, về một ấp nông thôn mới “chơi mà học, học mà chơi”, các em tận mắt chứng kiến các sản phẩm nông nghiệp xanh – sạch do người nông dân có tri thức, một nắng hai sương mà làm ra.
Sản phẩm ra lò của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục không phải là các robot mà chính là một thế hệ người trẻ có tri thức, giàu khát vọng và tình thương yêu. Đó là hiệu quả của quá trình “Trồng người” sát với thực tế cuộc sống, do cuộc sống đặt hàng, để khi ra trường các em có kỹ năng tự học, tự trau dồi, tích lũy kiến thức, tiếp tục nâng cao tri thức, các em hiểu và thực hành công việc hiệu quả, ném vào môi trường nào cũng sống khỏe. Những công dân toàn cầu ấy khi vào cuộc sống không có sự ngây ngô kiểu gà công nghiệp mà biết chủ động, sáng tạo, vươn tới tầm cao trí tuệ không ngừng.