Công an huyện Đức Linh: Kết nối cho dân giữ an ninh trật tự

09/01/2023, 09:29

Ánh sáng và camera an ninh

Một đêm nhạc tổ chức ở xã Đức Hạnh có ca sĩ nổi tiếng khiến vùng quê này sôi động vào cách đây mấy tháng nhưng đến giờ vẫn còn dư âm. Không chỉ bởi đêm nhạc tươi tắn như thế phục vụ cho bà con xã nông thôn mới, vốn rất lạ so lâu nay mà còn vì mục đích của đêm nhạc là huy động tiền để thực hiện mô hình Ánh sáng an ninh nâng cao tại xã. Bất ngờ, kết thúc đêm nhạc, số tiền ủng hộ cho mô hình được 500 triệu đồng. Vì sao mô hình ấy có sức hút với các doanh nghiệp, người dân đến thế? Nói đến ánh sáng an ninh thì mô hình này đã xuất hiện ở Đức Linh từ năm 2011, tức đã 11 năm nay. Những trụ điện thấp, bóng điện với ánh sáng không thể tỏa rộng nhưng nhiều năm qua, cũng đã phát huy hiệu quả trên thực tế trong phòng tránh tai nạn giao thông, trộm cắp hơn so với con đường chìm trong bóng đêm trước kia. Đến cuối năm 2020, để phù hợp với tình hình mới, nhất là bên cạnh có mô hình camera an ninh, thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện, sự hướng dẫn của Công an huyện, một số xã đã quyết định xây dựng mô hình Ánh sáng an ninh nâng cao, tức trụ điện to cao hơn và bóng đèn cao áp sáng hơn, lan xa hơn, nhằm hỗ trợ cho trích xuất hình ảnh trong camera an ninh ở gần đó rõ nét hơn vào ban đêm.

ca-duc-linh-2-.jpg

Đến nay, có 12/12 xã, thị trấn trong huyện đã và đang triển khai, ánh sáng an ninh nâng cao đã kéo dài trên 24 km đường ở các xã nên về đêm đường sá, thôn xóm và cả ruộng đồng đều sáng. Vì vậy, đã hỗ trợ tối đa cho camera an ninh, mô hình mới bắt đầu năm 2017 nhưng giờ đã phủ khắp huyện với 46 mắt cấp huyện và 232 mắt ở các xã, thị trấn, đã phát huy tác dụng trong thu bất cứ hình ảnh gì trong đêm mà hiệu quả của nó như dân hay gọi là mắt thần.

Theo Công an huyện Đức Linh, 2 mô hình trên đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện. Qua trích xuất hình ảnh từ camera đã giúp lực lượng Công an phát hiện, làm rõ nhiều vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, còn giúp lực lượng công an xã chủ động nắm bắt thông tin, gọi hỏi và kiểm điểm, răn đe các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật; chia sẻ hình ảnh giúp cơ quan CSĐT Công an huyện củng cố tài liệu đấu tranh, làm rõ các vụ phạm pháp hình sự, tin báo về vụ việc. Qua đó, đã góp phần kiềm chế, làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, tội phạm không dám hoạt động công khai, liều lĩnh, manh động như trước, đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lan tỏa tự phòng, tự quản

Ngoài 2 mô hình nổi bật trên, Đức Linh còn rất nhiều mô hình khác do dân tự quản, tự phòng và bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Mới nhất và có tính nhân văn, phải kể đến mô hình “Quỹ nhân dân với an ninh, trật tự” triển khai tại 2 xã Trà Tân, Đông Hà từ năm 2020 với mục đích là vận động nguồn kinh phí xã hội hóa để phục vụ cho công tác tái hòa nhập cộng đồng của các đối tượng sa chân trong cuộc sống. Đến nay, kinh phí vận động của mô hình ở 2 xã này trên 270 triệu đồng, đã cho 6 đối tượng tái hòa nhập cộng đồng vay vốn, trong đó có 2 trường hợp có thu nhập ổn định từ sản xuất chăn nuôi. Còn tại xã Đức Tín triển khai mô hình “Giáo xứ không có thanh thiếu niên vi phạm pháp luật”. Qua hơn 1 năm triển khai, tình hình cờ bạc trong xã giảm rõ rệt; không còn tình trạng gây rối của thanh thiếu niên; không phát sinh người nghiện, đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy trong thanh niên là tín đồ của giáo xứ.

ca-duc-linh.jpg
Camera an ninh và ánh sáng an ninh kết hợp ở Đức Linh.

Một mô hình nổi bật khác, mới triển khai trong năm 2021, đó là mô hình “Xã không có ma túy” ở Sùng Nhơn. Khi bắt đầu xây dựng mô hình, xã Sùng Nhơn có 2 đối tượng nghiện nên đã lập hồ sơ chuyển đi cai nghiện và hiện trên địa bàn xã không có người nghiện. Trong cơn lốc ma túy tràn về các vùng quê nhưng vì sao Sùng Nhơn là xã có số con nghiện ít nhất trong huyện và từ đó có điều kiện để xây dựng được mô hình trên? Trưởng Công an xã cho biết, vì đây là xã Anh hùng lực lượng vũ trang, có Khu di tích kháng chiến khu Lồ Ô, mỗi gia đình cách mạng đều dạy dỗ con em rất chặt chẽ nên ít bị rơi vào cạm bẫy ma túy. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan, vì năm 2020 toàn xã vẫn có 12 đối tượng nghiện nên trong quá trình xây dựng mô hình này, xã phát huy vai trò của 36 tổ nhân dân tự quản ở 6 thôn. Công an xã lên danh sách các đối tượng có dấu hiệu về ma túy, tệ nạn xã hội để Chủ tịch UBND xã phân công nhiệm vụ cho các tổ. Theo đó, các tổ này sẽ có báo cáo hàng tháng về việc giáo dục các đối tượng trên như thế nào và nắm cả những biến động trong dân như ai đi đâu, đang ở đâu, làm gì để dễ kiểm soát. Từ đây sẽ chấm theo thang điểm để xếp loại Tổ nhân dân tự quản tiêu biểu và cũng quyết định thành công của mô hình.

Nhờ hiệu quả của các mô hình tự quản, tự phòng đã góp phần giúp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện năm 2022 được giữ vững. Số vụ phạm tội về TTXH giảm 10,5% và tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí.

Những mô hình trên nằm trong 83 mô hình “Tự phòng, tự quản” đang còn hoạt động trên địa bàn huyện. Các mô hình này tập trung vào 6 nhóm như tuyên truyền phòng, chống tội phạm; tái hòa nhập cộng đồng; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; sử dụng phương tiện, thiết bị, kỹ thuật…Việc xây dựng, nhân rộng và duy trì hoạt động của mô hình có vai trò, ý nghĩa to lớn trong vận động, tập hợp nhân dân tham gia xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Đức Linh.

Thượng tá Ung Chiêu Thành, Trưởng Công an huyện Đức Linh cho biết, tâm huyết của đơn vị là làm cho người dân trên địa bàn huyện có ý thức cao trong giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Theo đó, đơn vị kết nối các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, cấp xã, thôn, khu phố cùng toàn dân tham gia nhằm không để con em vi phạm pháp luật; tự quản, tự phòng mọi hoạt động và tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm.

THÀNH TRUNG

Related articles
Cưỡng chế cá nhân lấn chiếm đất công trái phép tại xã Chí Công
Mới đây, huyện Tuy Phong đã tiến hành cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu của đất theo quy định tại điểm A, khoản 7, điều 14, nghị định 91 19/11/2019 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với bà Lục Thị Mỹ Dung sinh năm 1969 trú thôn Hà Thuỷ 3, xã Chí Công, huyện Tuy Phong.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công an huyện Đức Linh: Kết nối cho dân giữ an ninh trật tự