Truyện Kiều chú thích “chín chữ” ở đây là nói công lao khó nhọc của cha mẹ nuôi dạy con cái. Kinh Thi có viết: ... Cha ta sinh ra ta, mẹ ta nâng đỡ ta từ trong bụng; cha mẹ ta đã vỗ về nuôi nấng cho ta bú mớm, bồi bổ cho ta khôn lớn, dạy cho ta lời khôn lẽ phải, lo lắng theo dõi khi ta đi đâu, dựa theo tính ta mà khuyên răn ta, che chở giữ gìn cho ta. Muốn báo đền ơn đức cha mẹ, công đức đó như trời rộng không có giới hạn. Người sau gọi là cửu tự cù lao.(2)
Trong dãy số từ 0 đến 9, con số 9 được nhắc đến nhiều nhất trong văn hóa cộng đồng. Xã hội phong kiến xưa, từ triều đình đến dân gian, số 9 biểu tượng cho quyền uy và cái đẹp. Hầu hết các triều đại quân chủ Á Đông, số 9 tượng trưng cho quyền lực chí thượng của đế vương, để biểu thị gọi là “cửu trùng” (九重). Từ điển Hán Nôm chú giải “cửu trùng” là chín lần, chín bậc, chỗ vua ngồi, cũng chỉ nhà vua. Trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn diễn đạt khi vua truyền lệnh cho tướng sĩ có câu “Cửu trùng án kiếm khởi dương tịch/ bán dạ phi hịch truyền tướng quân”; Bà Đoàn Thị Điểm dịch: “Chín tầng gươm báu trao tay/ nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh”.
Các triều đại phong kiến Trung Quốc và Việt Nam con số 9 được sùng bái, tôn thờ, triết thuyết rằng ngày sinh của Trời (Ngọc Hoàng) là ngày 9 tháng giêng, nên xem số 9 tượng trưng cho Trời, ghép cho ngôi vị Hoàng đế. Những gì được sử dụng trong cung đình đa phần đều dùng số 9, như chỗ vua ngồi từ dưới lên phải 9 bậc (cửu trùng), đồ dùng trong cung như cửu long bôi (9 cốc rồng), cửu đào hồ (ấm 9 quả đào); biểu trưng cho quyền uy của chính quyền và sự thống nhất quốc gia thì đúc Cửu đỉnh – 9 cái đỉnh bằng đồng. Ở Việt Nam Cửu đỉnh đặt trước Thái Miếu trong Hoàng thành Huế. Xem Cửu đỉnh là hình tượng vững chắc không lay chuyển, nên mới có lời hứa “nhất ngôn cửu đỉnh”. Phong phẩm hàm trong chế độ phong kiến cho 2 ban Văn – Võ, phân cho mỗi ban gồm 9 phẩm, từ Nhất phẩm (cao nhất) đến Cửu phẩm (thấp nhất).
Trong văn hóa tín ngưỡng, khi lễ bái người dân thường khấn: “Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật”. Theo Từ điển - Lê Văn Đức, tr.252: Chín phương trời: Trung-ương, đông, tây, nam, bắc, đông-nam, đông-bắc, tây-nam, tây-bắc. Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh khi nói đến sự quý giá tuyệt đối của sính lễ hỏi vợ cũng dùng con số 9 đã trở thành huyền thoại bí ẩn: “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”.(3) Văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, con số 9 còn gắn với những giá trị tâm linh, như Cửu Huyền Thất Tổ trong thờ cúng tổ tiên (theo Từ điển Nhĩ Nhã là bao gồm chín đời cha ông trên mình và chín đời con cháu dưới mình)(4). Hay trong Cửu Diệu Tinh chỉ những ngôi sao xem vận tốt xấu mà tử vi hay nhắc tới: Thái Dương, Thái Âm, Vân Hớn, Thủy Diệu, Mộc Đức, Thái Bạch, Thổ Tú, La Hầu, Kế Đô. (Đến nay các nhà thiên văn đã phát hiện hệ mặt trời có 9 hành tinh bao gồm cả trái đất).
Từ câu Kiều “chín chữ cao sâu” bên trên gợi liên tưởng mà thương nỗi lòng của người con gái lấy chồng xa quê trong ca dao Việt Nam: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”. Không đứng ngõ trước mà “ra đứng ngõ sau”, bởi nhớ đấy mà không biết sang sẻ cùng ai, nên giấu kín trong lòng, ra đứng ngõ sau để không ai thấy, nghe uẩn khúc làm sao! Hay “Vẳng nghe chim vịt kêu chiều/ Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau”. Chữ “chín chiều” ở đây nói lên nỗi đau thương nhớ tột cùng khi người con gái lấy chồng có con rồi mới hiểu hết công lao làm mẹ nuôi con, lúc đó thì đã xa nhà, không giúp được gì cho mẹ khi tuổi già sức yếu. Cứ sau mỗi ngày vất vả gian lao, đến chiều chiều hồi nhớ mẹ mà “ruột đau chín chiều – chín chiều ruột đau”. Thương lắm!
Số 9 là con số không chỉ ở châu Á mà còn được các nền văn minh và văn hóa khác trên toàn thế giới tôn sùng. Còn nhiều vấn đề sử dụng con số 9 mà nhân gian toàn cầu nhắc đến. Nhưng vì giới hạn trang báo, không thể bàn thêm.
(1) Chín chữ: 1. sinh (đẻ), 2. cúc (nâng đỡ), 3. phủ (vuốt ve), 4. súc (nuôi nấng), 5. trưởng (nuôi dưỡng thể xác cho lớn), 6. dục (dạy dỗ), 7. cố (trông nom), 8. phục (tùy tính mà dạy), 9. phúc (che chở); (2) Truyện Kiều Nguyễn Du, tr. 423, 424, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1976; (3) Theo Phạm Đình Chương trong Giải mã bí ẩn truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, chữ “chín” trong phần sính lễ “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” phải được hiểu là “chín” trong “chín chắn” hoặc “chín mọng”, hay rõ hơn, những con vật đó phải trong độ tuổi trưởng thành, độ tuổi sung mãn nhất. Thực vậy, voi con thì chưa có ngà, gà tơ thì chưa có cựa, ngựa non thì chưa đủ bờm để ra oai… (https://www.chungta.com); (4) vi.wikipedia.org › wiki › Nhĩ_Nhã.