Con đường hình thành sản phẩm chất lượng
Tà Pứa của xã Đức Phú vào mùa này sầu riêng đang ra hoa kết trái, hàng trăm ha sầu riêng dọc theo chân đồi Bà Sa và trong vườn nhà dân tỏa hương thơm dịu nhẹ. Năm rồi, dân Tà Pứa có thu nhập cao vì sầu riêng được giá và còn bởi chất lượng hơn hẳn các vùng khác, nhờ trồng ở vùng đất đỏ bazan và khí hậu phù hợp. Ở Tà Pứa còn có hạt cà phê cũng được thị trường đánh giá cao, tư thương mua với giá không thua những vùng trồng cà phê nổi tiếng trong nước. Từ Tà Pứa xuôi về phía xã Bắc Ruộng, Huy Khiêm, Đức Bình qua Gia An… trên tuyến đường nhựa ĐT717 vừa mới được tỉnh đầu tư nâng cấp hơn 100 tỷ đồng là bắt gặp những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Tánh Linh. Đó là cánh đồng vàng ươm đang mùa gặt lúa ST25, OMT 18, những loại làm ra hạt “Gạo Tánh Linh” tạo nguồn thu nhập chính cho người dân. Đó là sản phẩm thịt thỏ sấy “gác bếp” hút người tiêu dùng ở Huy Khiêm. Xa hơn, về phía hạ nguồn sông La Ngà, nơi có hồ nước ngọt Biển Lạc rộng cả trăm ha tạo thuận lợi cho người dân nuôi trồng thủy sản với các loại cá có giá trị kinh tế cao như chình, lăng, bống, nhất là cá thát lát đã có thương hiệu “Cá thát lát Tánh Linh”…
Một vùng đất trù phú với những sản phẩm nông nghiệp như trên là cả 1 câu chuyện dài thắng thiên nhiên của con người ở đây, mà điển hình là từ hạt gạo. Nhớ lúc Tánh Linh mới tái lập vào năm 1983, đời sống người dân khó khăn đúng nghĩa bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Ngay năm 1995, nông dân trong huyện vẫn còn sản xuất bấp bênh do chủ yếu phụ thuộc vào “nước trời”, dù là vùng có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh. Nhận định hạ lưu sông La Ngà là vùng lúa trọng điểm, năm 2000, tại Đại hội Đảng bộ Tánh Linh lần thứ V, nhiệm kỳ 2000 – 2005 đã đưa vào chương trình hành động, thực hiện nhiệm vụ phát triển thủy lợi, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Năm 2003, Huyện ủy Tánh Linh ra Nghị quyết 15 chuyên về phát triển thủy lợi đã tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Từ những Nghị quyết, Chỉ thị của Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành kế hoạch hành động xây dựng và phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi. Với sự giúp đỡ của Trung ương và tỉnh, hệ thống kênh mương thủy lợi ở Tánh Linh từng bước hoàn thiện qua từng năm. Đến nay Tánh Linh đã có hơn 190 tuyến kênh tưới cho hàng ngàn ha lúa và hoa màu các loại… Đồng thời đó, những cánh đồng cũng mở rộng ra, trải dài ven sông La Ngà. Nhưng quy trình sản xuất lạc hậu cộng thêm chất lượng giống lúa không tốt nên từng có lúc, khi nghe gạo Tánh Linh, tiểu thương đánh giá là “gạo heo”, tức là gạo kém chất lượng chỉ dành nuôi heo. Thêm nữa, việc vận chuyển chưa thuận lợi khiến hạt gạo mất giá so với những nơi khác. Vấn đề đặt ra là phải tiếp tục cải thiện vướng mắc trong xây dựng chất lượng hạt gạo nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung.
Nhìn ra được vấn đề ấy, tại Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ Tánh Linh đưa vào chương trình hành động “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi”. Năm 2018, Huyện ủy Tánh Linh sơ kết việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đồng thời ra Kết luận 158 về “Tái chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”. Xác định những sản phẩm trọng tâm cần đầu tư, định hình những sản phẩm lợi thế như làm lúa xác nhận để thay đổi nguồn giống ngay trên cánh đồng sản xuất, xây dựng vùng lúa chất lượng cao để nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó Tánh Linh cũng phát huy những thế mạnh khác như nuôi trồng thủy sản, khuyến khích phát triển diện tích trồng cao su, điều và một số loại cây ăn trái có giá trị cao trên thị trường gắn với áp dụng công nghệ cao. Từ đó, những sản phẩm chất lượng xuất hiện, có sức cạnh tranh trên thị trường như hôm nay.
Giao thông tăng vị thế
Những gì Tánh Linh có hôm nay đều không suôn sẻ, có thất bại rồi rút kinh nghiệm mới đạt được. Đó cũng là quá trình đưa nghị quyết, kế hoạch của Đảng bộ về phát triển kinh tế - xã hội đi vào cuộc sống, phù hợp với thực tiễn. Và đội ngũ cán bộ là người thực hiện, vì vậy, qua các giai đoạn, Tánh Linh luôn chú trọng đến công tác này. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tánh Linh Phạm Sơn, cho biết: Để giúp dân phát triển kinh tế - xã hội tốt, đầu tiên là phải có lực lượng cán bộ giỏi làm. Vì vậy, Đảng bộ Tánh Linh luôn chú trọng thực hiện nghiêm túc công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời thường xuyên rà soát, sắp xếp, củng cố và luân chuyển đội ngũ cán bộ… Có thể nói nhờ làm tốt công tác cán bộ nên ở Tánh Linh có nhiều cán bộ nắm chắc thực tiễn, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo huyện để điều chỉnh kịp thời những kế hoạch, chương trình triển khai gặp vướng mắc cũng như đề xuất những giải pháp phát triển mang tính bền vững, có lợi ích kinh tế cao cho xã hội và người dân…Với chiến lược phát triển kinh tế đúng định hướng, Đảng bộ Tánh Linh đã tạo được niềm tin sâu sắc và vững chãi trong lòng dân qua nhiều thế hệ. Từ một huyện miền núi nghèo nhất, nhì tỉnh Tánh Linh đã vươn lên từ nông nghiệp không thua kém các huyện khác trong tỉnh.
Tiếp tục phát huy những lợi thế, kế thừa thành quả đã đạt trong hơn 40 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ và nhân dân huyện Tánh Linh đang dồn sức thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá. Đó là 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm tăng cường xây dựng chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh ở thị trấn Lạc Tánh; Tăng cường quốc phòng, an ninh, chủ động trong mọi tình huống. Còn 2 khâu đột phá gồm: Mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của huyện gắn với đổi mới hình thức sản xuất phù hợp; Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng các cụm công nghiệp mới ở Gia Huynh, Suối Kiết và những nơi có điều kiện khác, thúc đẩy đầu tư hạ tầng du lịch sinh thái…
Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh thì Tánh Linh được thành lập 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 85 ha. Tánh Linh đã có quy hoạch và đang đi theo lộ trình phát triển công nghiệp. Cơ hội đột phá phát triển công nghiệp Tánh Linh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đang mở ra rất lớn khi tận dụng được “thời cơ” để khai thác tiềm năng đang có ở vùng đất này. Đó là tuyến cao tốc đường bộ Phan Thiết – Dầu Giây đi vào hoạt động, Tánh Linh có 2 điểm nối quan trọng với cao tốc là ĐT 720 – cao tốc – quốc lộ 1 và quốc lộ 55 - cao tốc – quốc lộ 1. Từ đây, khu vực Gia Huynh, Suối Kiết vốn có diện tích đất rất nhiều có thể chuyển sang xây dựng cụm công nghiệp hoặc xây dựng vùng logistics. Để làm được điều này, Tánh Linh rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành và tỉnh trong chiến lược quy hoạch sử dụng nguồn đất cũng như các chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư. Nếu giải quyết tốt các khâu này, Tánh Linh sẽ phát triển công nghiệp thuận lợi và khu vực phía Nam tỉnh thêm sôi động.
Tuyến cao tốc đường bộ Phan Thiết – Dầu Giây đi vào hoạt động, Tánh Linh có 2 điểm nối quan trọng với cao tốc là ĐT 720 – cao tốc – quốc lộ 1 và quốc lộ 55 - cao tốc – quốc lộ 1. Từ đây, khu vực Gia Huynh, Suối Kiết vốn có diện tích đất rất nhiều có thể chuyển sang xây dựng cụm công nghiệp hoạc xây dựng vùng Logistics.