Chăm lo từ “gốc” – Thực tiễn từ Bình Thuận. Bài 1

31/07/2024, 05:14

Bài 1: Rộn ràng quanh 3 “trụ cột” kinh tế

Phải đến cuối năm thì mới biết con số hộ đã thoát nghèo nhưng hiện tại, việc nông sản trúng mùa, được giá… đã góp phần giúp nhiều vùng quê có xã giàu, thôn triệu phú, xóm tỷ phú là sự thật.

Tín hiệu vui

Sau thời gian phân tích, giải thích rõ, có sự chứng kiến của chính quyền xã rằng làm việc ở công ty sẽ không có thời gian để đi bắt chồng, bắt vợ mới, không bỏ bê gia đình… mà hàng tháng còn có tiền vài triệu mang về lo cho gia đình thì người dân Rai ở 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) mới đồng ý. Cứ sáng sớm, các lao động được tuyển tập trung tại xã của mình, xe đưa rước của công ty đã đậu sẵn ở đó để chở đến nhà máy. Chiều xe bus của công ty lại chở họ về trụ sở xã, rồi ai về nhà nấy. Các lao động được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định, miễn phí cơm trưa tại công ty. Với chính sách như trên, từ tháng 5/2024 đến nay, Công ty TNHH Quốc Tế Right Rich (KCN Hàm Kiệm II-Hàm Thuận Nam) đã tuyển, đào tạo được gần 50 lao động của 2 xã đồng bào dân tộc thiểu số trên và trụ lại được với công việc, có mức thu nhập thấp nhất là 4,5 triệu đồng/tháng, cao nhất hơn 6 triệu đồng/tháng, khi chịu làm tăng ca.

anh-3d.jpg

Theo đại diện Công ty TNHH Quốc Tế Right Rich, hiện số lượng lao động hiện tại của công ty đang được 3.200 người và công ty đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 300 lao động mới để bảo đảm thực hiện các đơn hàng ngày càng nhiều hơn vào những tháng cuối của năm 2024. Vì vậy, công ty đang phối hợp với các xã Phan Lâm, Phan Sơn ở Bắc Bình và đến cuối tháng 7 tuyển được thêm 50 lao động phổ thông nữa. Thực tế, việc tuyển lao động gần nhà máy là không thể, vì không cạnh tranh được với lao động làm thanh long.

c0307t01.jpg
Công nhân đang làm việc tại nhà máy giày Right Rich Khu công nghiệp Hàm Kiệm II

Trong khi đó, tại Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam (Cụm công nghiệp Nam Hà – Đức Linh), hơn 2.000 lao động đã làm việc từ tháng 9 năm ngoái đến nay với mức lương vùng 1, dù nhà máy thuộc địa bàn vùng 4. Nhờ vậy, người lao động ở đây có thu nhập khá cao như làm ở TP.HCM và lại tiết giảm được nhiều chi phí khác. Đó là chủ trương của tổng công ty trên nhưng đồng thời qua đó cho thấy kiểu thu hút lao động này là cho đường dài, khi kế hoạch giai đoạn 1, công ty sẽ tuyển đủ 7.000 lao động. Ở vùng Đức Linh, Tánh Linh, điều đó cũng đồng nghĩa với cạnh tranh lao động trong khu vực nông nghiệp.

untitled_1.1.17.jpg
Nhà máy Giày Nam Hà Việt Nam - Cụm công nghiệp Nam Hà – Đức Linh

Những tín hiệu trên ít nhiều cho thấy ngành công nghiệp chế biến chế tạo, vốn trầm lắng từ khi dịch Covid -19 xảy ra, đến nay đã hồi phục rõ ràng hơn năm ngoái. Trong tháng 7/2024, chỉ số sản xuất của ngành này có mức tăng 29,3%, góp vào 7 tháng với mức tăng 7,31% so cùng kỳ. Thêm nữa, cuộc điều tra trong quý II của cơ quan chức năng tại tỉnh cho kết quả đa số doanh nghiệp nhận định khả năng trong quý 3/2024, tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn. Các doanh nghiệp may mặc, giày dép, đồ gỗ… sẽ có thêm nhiều đơn hàng. Thời điểm hiện tại đã cho thấy những tín hiệu vui đó, khi đi kèm với tạo công việc làm, tăng thu nhập, thêm kỹ năng, nâng trình độ cho người lao động là dự báo “trụ cột” công nghiệp của tỉnh sẽ vững hơn, khi 3 năm qua chỉ mỗi lĩnh vực sản xuất và phân phối điện quyết định chỉ số tăng trưởng công nghiệp.

cao-toc-phan-thiet-dau-giay-anh-n.-lan-1-.jpg
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
_lan6315.jpg
Du lịch biển Phan Thiết vào hè 

Phục hồi hơn xưa

Nếu công nghiệp chế biến chế tạo hồi phục có chậm thì du lịch lại ở trạng thái ngược lại, phục hồi nhanh nhất và đến giờ này đã thấy đang phát triển mạnh mẽ hơn trước dịch Covid-19. Nếu năm 2023, với sự kiện đăng cai Năm Du lịch quốc gia Bình Thuận – Hội tụ xanh cùng những thuận lợi từ hạ tầng giao thông, đưa tỉnh vào top 10 địa phương có doanh thu du lịch cao nhất nước, nhờ đón 8,3 triệu du khách thì 7 tháng năm nay, đã đón gần 5,5 triệu khách, nhờ xây dựng phong phú các sản phẩm du lịch cùng phối hợp doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, giải trí, thể thao lớn. Với lượng khách đến đông đã làm bùng nổ các dịch vụ kéo theo, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ trong 7 tháng đạt 62.449,2 tỷ đồng, tăng 15,13% so cùng kỳ năm trước. Và từ đây lực lượng lao động tham gia trực tiếp và gián tiếp vào ngành du lịch cũng nhiều lên đột biến, ngay cả so năm ngoái, thời điểm có sự kiện lớn quốc gia tổ chức tại tỉnh.

nong-san.jpg
Một số loại nông sản thế mạnh của Bình Thuận

Cuộc “so găng” lao động tại địa bàn tỉnh với bên thắng thế tưởng chừng nghiêng về du lịch, công nghiệp. Nhưng trên thực tế, với sự nhộn nhịp, khi giá lúa tăng cao từ cuối năm 2023 sang, tương tự giá thanh long lập kỷ lục với hơn 30.000 đồng/kg hay sầu riêng từng chạm mốc hơn 100.000 đồng/kg… cùng với sự ổn định diện tích, giữ vững chất lượng sản phẩm thì cho thấy có sự phân công lao động tự nhiên rõ rệt. Có nghĩa người dân, tùy địa bàn, độ tuổi, giới tính, trình độ, sở thích… có thể lựa chọn công việc phù hợp với mình ở 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, nông nghiệp và du lịch. Và chính nhờ có nhiều cơ hội lựa chọn như vậy đã nâng giá trị ngày công lao động trong tỉnh lên cao. Trên thị trường lao động tự do, giá ngày công có lúc lên 500.000 đồng/ngày, ngay cả ở vùng quê.

dsc00051.jpg
Thu hoạch bắp lai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Mỹ Thạnh, Hàm Thuận Nam

Đó là 1 lý do khiến lãnh đạo các xã nông thôn mới tin tưởng rằng năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở xã mình sẽ tăng hơn năm ngoái. Và ai cũng cảm nhận rõ điều đó, vì không chỉ bởi điều kiện phát triển kinh tế ở tỉnh trong năm 2024 sôi động hơn hẳn mà còn bởi mức lương trong khu vực doanh nghiệp lẫn nhà nước đều tăng. Và còn vì thực tế của những năm qua, dù có nhiều biến cố nhưng thường trong nguy có cơ hội nên thu nhập bình quân đầu người dân trong tỉnh vẫn năm sau cao hơn năm trước. Số liệu của Cục Thống kê Bình Thuận cho thấy, thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh trong năm 2019 là 43,56 triệu đồng lên 47,4 triệu đồng năm 2020. Sau đó, do dịch bệnh năm 2021 sụt xuống 46,98 triệu đồng nhưng sang năm 2022 tăng lên 51,6 triệu đồng và năm 2023 là 54,336 triệu đồng.

Cũng tương tự thế, có thể suy ra tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2024 sẽ giảm nhiều. Theo Quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 -2025 trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh ban hành ngày 12/1/2024 thì hộ nghèo là 6.621 hộ, chiếm 1,96% so với tổng số hộ toàn tỉnh (337.403 hộ); trong đó, số hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) là 2.037 hộ, chiếm 7,73% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 30,77% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Nếu so với đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giảm 2.038 hộ nghèo; trong đó hộ nghèo DTTS giảm 764 hộ.

Phải đến cuối năm thì mới biết con số hộ đã thoát nghèo nhưng hiện tại, việc nông sản trúng mùa, được giá… đã góp phần giúp nhiều vùng quê có xã giàu, thôn triệu phú, xóm tỷ phú là sự thật. Đó là những loan báo, nhận định của chính quyền, người dân chứ không có một cuộc điều tra nào. Nhưng ít nhiều qua đó đã thấy thấp thoáng kết quả của Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 11/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như kế hoạch thực hiện nghị quyết của UBND tỉnh ban hành vào ngày 8/8/2023.

7 tháng năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã tuyển mới đào tạo nghề nghiệp cho 6.382 người, đạt 63,82% so với kế hoạch và tăng 90,2% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, cũng trong thời gian trên, có 15.111 lao động có việc làm, đạt 75,55% so kế hoạch, trong đó cho vay vốn giải quyết việc làm 2.342 lao động, đạt 167% so với kế hoạch năm.

BÍCH NGHỊ - ẢNH N. LÂN

Related articles
Anh nông dân Chăm thành công mô hình kinh tế đa canh
Với nghị lực và quyết tâm, anh Bá Đình Trang ở thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình là một tấm gương tiên phong trong việc phát triển đa canh, sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi kết hợp với sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chăm lo từ “gốc” – Thực tiễn từ Bình Thuận. Bài 1