Câu chuyện gia đình trong từng tiểu phẩm

10/12/2024, 05:39

Truyền thông bình đẳng giới thông qua hội thi chính là cách mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức mới đây để đa dạng công tác tuyên truyền và phát huy tính sáng tạo của các thành viên trong Tổ truyền thông cộng đồng. Đây là những thành viên cốt cán của Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh (Dự án 8).

Những tình huống từ thực tế

Trên sân khấu hội thi “Tìm hiểu kiến thức Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”, mỗi đội đã lựa chọn cách xử lý những câu chuyện, tình huống liên quan đến phụ nữ, trẻ em ở gia đình, xã hội một cách gần gũi với đời sống để phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại đâu đó trong nếp nghĩ, phong tục của mỗi gia đình, làng xã.

img_9234.jpg
Cách xử lý tình huống gần gũi, thực tế cuốn hút người xem.

Trong tiểu phẩm “Gia đình là bến bờ yêu thương” là hình ảnh của tư tưởng “Trọng nam, khinh nữ” trong một gia đình nông thôn. Họ chỉ biết quan tâm, cưng chiều con trai, còn với con gái thì chỉ biết chữ, bắt cháu bỏ học ở nhà đi làm thuê kiếm tiền. Cho đến khi giáo viên, cán bộ Hội phụ nữ đến thăm hỏi, tuyên truyền, anh chị mới biết các quy định về hành vi nghiêm cấm đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình. Phân biệt đối xử với trẻ em gái là sự vi phạm quyền con người. Từ đó, nghiêm túc rút kinh nghiệm và hứa cùng chăm sóc, giáo dục, tạo điều kiện cho con trai, con gái đều được học tập, lao động, vui chơi và phát triển như nhau.

img_9339.jpg

Còn tiểu phẩm “Cải tiến hay bảo thủ”, lại là góc nhìn khác về vai trò, tiếng nói chung của người đàn ông và phụ nữ trong gia đình. Câu chuyện bắt đầu từ 5 ha ruộng, cứ mỗi kỳ ra vụ thì anh A quyết định số lượng giống ngâm là 20 kg/ha, nhưng chị B vợ anh, sau khi tham gia lớp tập huấn khuyến nông đã đưa ra ý kiến chỉ ngâm giống 12 kg/ha theo phương pháp SRI. Bởi sản xuất theo phương pháp này sẽ giúp giảm chi phí về giống, phân bón, giảm thuốc trừ sâu, nước tưới, trong khi năng suất lại tăng, từ đó tăng hiệu quả kinh tế so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống. Anh A không đồng ý và cho rằng vợ mình là phụ nữ chỉ ở nhà, biết gì về phương pháp sản xuất lúa SRI và những kiến thức được tập huấn không đúng thực tế, cấm chị áp dụng phương pháp sản xuất lúa SRI.

Tại đây, các chi hội phụ nữ khéo léo phân tích, kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để thuyết phục người chồng thay đổi.

img_9256.jpg
Phát huy sự sáng tạo, tự tin của phụ nữ dân tộc thiểu số trong mỗi câu chuyện

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật

Điểm chung của các tiểu phẩm đều là những tình huống thực tế trong gia đình và xã hội. Với lối diễn chân phương, mộc mạc, các đội đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình hiện nay chủ yếu là do bất bình đẳng giới, khó khăn về kinh tế, thiếu nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Qua đó, Hội LHPN các cấp đã phát huy được vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động để cộng đồng thay đổi và nâng cao nhận thực về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, xóa bỏ các định kiến, quan niệm không phù hợp về vai trò của phụ nữ, giúp người xem có thêm nhiều kiến thức trong việc vun đắp tình cảm, xây dựng gia đình hạnh phúc.

img_9259.jpg
Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới

Thực hiện Dự án 8, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với lãnh đạo UBND các huyện/xã trong vùng dự án, hướng dẫn cấp xã thành lập 20 “Tổ truyền thông cộng đồng” tại 20 thôn/12 xã ở 4 huyện thụ hưởng dự án gồm Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình. Đến nay, các tổ vận hành được 1 năm, quá trình hoạt động thực hiện theo quy chế đề ra.

Để phát huy sự tự tin, tinh thần trách nhiệm, sáng tạo của các thành viên và tìm ra những sản phẩm, câu chuyện, cũng như hình thức truyền thông tốt, phù hợp với từng lực lượng phụ nữ trong vùng đồng bào, thì các hội thi, những buổi giao lưu là rất cần thiết. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh: Trong thực hiện bình đẳng giới phải tạo sự tự tin cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, giúp chị em mạnh dạn tham gia các hoạt động của mình cũng như các hoạt động khác. Vì thế, cùng với truyền thông qua giao tiếp hằng ngày, bằng văn bản thì sân khấu hóa là cách làm đi đến nhận thức của các đối tượng nhanh nhất, lâu nhất. Ngoài ra, thông điệp của hội thi còn hướng tới 4 giá trị của gia đình trong giai đoạn hiện nay gồm an toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và bình đẳng.

THÙY LINH

Related articles
Người phụ nữ Raglai gương mẫu
Chị Trần Thị Dung, sinh năm 1975, người dân tộc Raglai hiện là Trưởng thôn 2, xã Suối Kiết (Tánh Linh) không chỉ được mọi người biết đến yêu quý, vì sự giỏi giang vượt khó phát triển kinh tế gia đình mà còn gương mẫu là hạt nhân tích cực trong các hoạt động xã hội tại địa phương.

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (12/12)
BTO – “Sức bật” từ liên kết sản xuất và tiêu thụ hải sản theo chuỗi giá trị; Khảo sát thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính; Nét đẹp đáng tự hào về đảng viên trẻ viết đơn tình nguyện nhập ngũ; Hạ tầng công nghệ phát triển thúc đẩy chuyển đổi số y tế; Mở rộng xuất khẩu lao động sang các thị trường có thu nhập cao; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 12/12/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện gia đình trong từng tiểu phẩm