Theo đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Chi cục Thủy sản tỉnh đã thống nhất cấp 20 thiết bị ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử cho ngư dân nghèo thành phố Phan Thiết (12 thiết bị) và ngư dân nghèo huyện Tuy Phong (8 thiết bị). Đồng thời, cấp 9 máy thông tin liên lạc đa năng; trong đó, 1 máy để lại chi cục làm máy chủ theo dõi, 8 máy còn lại cấp cho ngư dân nghèo của thị xã La Gi. Đối tượng được hưởng theo các tiêu chí: hộ ngư dân có tàu cá từ 15m trở lên. Chủ tàu cá là hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo (theo tiêu chuẩn mới nhất của Chính phủ) ưu tiên cho hộ gia đình có phụ nữ mang thai, có trẻ em dưới 5 tuổi; phụ nữ là chủ hộ; có người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam; người già ốm đau; gia đình chính sách. Tàu cá đã đăng ký và được cấp giấy phép khai thác thủy sản hoạt động trên các vùng biển; chưa được trang bị thiết bị ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử và các loại máy thu, máy thông tin liên lạc chuyên dụng khác. Ưu tiên tàu cá là tổ trưởng, đội trưởng của tổ, đội khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên biển; tàu cá là đội trưởng đội tàu cứu hộ, cứu nạn trên biển…
Chương trình “Chung sức vì biển đảo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ NN & PTNT, Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 phối hợp phát động nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế trợ giúp ngư dân nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, thêm động lực vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Có 3 hình thức để ủng hộ chương trình: Nhắn tin qua Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400, ủng hộ trực tiếp bằng hiện vật, chuyển tiền qua tài khoản Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Toàn bộ số tiền thu được từ chương trình sẽ dùng để mua tủ thuốc và tập huấn sơ cấp cứu ban đầu cho ngư dân các tỉnh ven biển; trang bị thiết bị thông tin liên lạc cho tàu đánh cá để theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai...; hỗ trợ ngư dân nghèo phát triển kinh tế, chuyển đổi sản xuất; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí.
N.Hân