Canh giữ nơi “ốc đảo”

24/02/2023, 05:45

Khi nắng tháng giêng, tháng hai vàng hơn khiến những vườn xoài trong thôn Cà Lúc thêm lúc lỉu trái non thì vùng đồng này như một thảo nguyên phủ cỏ úa vàng…

Như một đặc sản

Chưa đến 4 giờ chiều nhưng K’ Viang, Tổ trưởng Tổ chốt liên xã Sông Bình – Phan Lâm – Phan Sơn đã có triệu chứng như muốn lên cơn sốt. Nét mặt mệt mỏi, lấm tấm mồ hôi… Nhưng K’Viang bảo không sao, đó chỉ là di chứng của bệnh sốt rét từ những ngày còn nhỏ theo mẹ lên rừng liên miên. Nghỉ một chút sẽ hết. Bị mang di chứng bất đắc dĩ ấy nhưng bù lại, tới giờ, dù bao năm ngồi ghế nhà trường, bao năm làm công chức và bây giờ đã là Phó Chủ tịch UBND xã Phan Sơn, những lúc cần K’ Viang vẫn có thể đi rừng tốt. Vì vậy, đoạn đường đá lởm chởm, ngoằn ngoèo, dốc cao, dốc thấp được xem là tuyến đường độc đạo dẫn vào cánh đồng thôn Cà Lúc của Phan Sơn này chẳng là gì với sức trèo đèo, vượt suối của K’Viang. Nên việc tuần tra, kiểm tra việc trộm cát, dù trên vùng rộng lớn này cũng không có gì quá nhọc nhằn.

oc-dao.jpg.jpg
Tổ chốt liên xã Phan Lâm, Phan Sơn, Sông Bình triển khai nhiệm vụ tuần tra kiểm soát việc khai thác cát trái phép. Ảnh: N. Lân

Cánh đồng ấy rộng khoảng 120 ha này là vùng sản xuất xa tít của Cà Lúc, thôn của xã Phan Sơn cũng nằm xa tít đến 30 km so với trung tâm xã. Thế mà, dân khai thác cát lậu đã “đánh hơi” và tìm đến đúng cánh đồng đó để khoắng cát rầm rộ vào thời điểm cuối năm ngoái. Những xe mang cát ở cánh đồng này sẽ theo tuyến độc đạo trên ra ngã ba tiếp giáp của 3 xã, tức chỗ Đập 812, chạy ra quốc lộ 28B ngược về hướng Đức Trọng – Lâm Đồng để bán với giá 540.000 đồng/khối. Số tiền quá lớn, nếu so với giá 1.900 đồng/kg mì được sản xuất trên cánh đồng này vào cuối năm ngoái. Nghe giá trên, dân ở đây nói vui rằng, nơi đây không có gì quý bằng cát. Cứ như đó là đặc sản. Vì cát ven sông, lại nằm ở khu vực gần thượng nguồn, có dòng chảy mạnh nên cát được rửa trôi, ít tạp chất. Đó là lý do, dù ở vị trí xa hun hút, dù đường đi cách trở và nhất là chính quyền huyện Bắc Bình đã quyết liệt trong truy đuổi, xử phạt khai thác cát lậu ven theo dòng sông Ly đã 2 - 3 năm nay nhưng dân khai thác cát lậu vẫn bất chấp vào cánh đồng thôn Cà Lúc này. Và theo người dân kể lại, chúng kháo nhau, cát lấy từ cánh đồng Cà Lúc đều có thể dùng làm cát tô, cát xây và cát bê tông. Nhất là cát để tô, không nơi nào bằng, thậm chí dân trộm cát còn pha trộn với các nơi khác để bán thu lời nhiều hơn trên “thương hiệu” mà chúng rao là cát Cà Lúc, Cà Lon, Đá Trắng.

oc-dao-2.jpg.jpg
oc-dao-1.jpg.jpg
Hiện trường khai thác cát trái phép ở Cà Lúc, Phan Sơn và đường vận chuyển cát . Ảnh: N. Lân

Nhưng điều đặc biệt, người dân ở đây dù còn nghèo khó nhưng hầu như không tham gia vào vòng quay khai thác cát lậu trên, dù đất liền kề đất và chuyện bỏ hoang đất vẫn xảy ra. Vì nơi đây, dù nằm gần sông Ly, có kênh 812 - Châu Tá đi qua nhưng vẫn là vùng sản xuất phụ thuộc vào nước trời nên dân Cà Lúc xuống giống bắp, mì bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc tháng 12 dương lịch.

Vì thế, thời điểm này, khi nắng tháng giêng, tháng hai vàng hơn khiến những vườn xoài trong thôn Cà Lúc thêm lúc lỉu trái non thì vùng đồng này như một thảo nguyên phủ cỏ úa vàng. Nơi đây thậm chí còn không có giao thông nội đồng. Những con đường ngang dọc mà chúng tôi lội bộ kiểm xem có dấu vết mới của khai thác cát lậu không là những con đường do xe chở cát lậu trước đó đi lại mà thành. Dấu vết xe ben lớn 15 tấn, dù đã cũ nhưng góp phần hình thành chiều rộng con đường, nên cũng có thể hình dung thời gian ấy, nơi đây rầm rộ thế nào.

Như “ốc đảo”

“Đó là thời điểm tháng 12/2022, khi nghe dân báo, Tổ liên ngành huyện kiểm tra bắt quả tang ông Nguyễn Trường G. là dân ở Lâm Đồng đang xắn cát lên xe từ chính miếng đất ông đang đứng tên. Sau khi chuyển hồ sơ qua cho Công an huyện xử lý với tổng số tiền phạt gần 140 triệu đồng, trong đó tịch thu máy móc, phương tiện thì việc khai thác cát của ông G. cũng kịp khiến một góc vùng đồng này loang lổ, hầm hố như vừa qua một trận lũ lịch sử xoáy vào vùng đất cát. Cũng trong thời gian đó, có 11 trường hợp khác khai thác và vận chuyển cát bị xử phạt với số tiền hơn 18 triệu đồng” - ông Huỳnh Duy Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình vừa đi thăm và kiểm tra tình hình Tổ chốt liên xã Sông Bình – Phan Lâm – Phan Sơn đã nhớ lại như thế.

Ông Khôi nói tiếp, đại ý rằng, sau bận ấy, nghiên cứu địa hình, UBND huyện Bắc Bình đã có quyết định thành lập Tổ chốt liên xã Sông Bình – Phan Lâm – Phan Sơn quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn, mượn chỗ tại Trạm bảo vệ rừng Đá Trắng. Nơi đây, là cửa ngõ ra vào của vùng đồng thôn Cà Lúc, nơi các đối tượng trộm cát đang dòm ngó và cũng là lối ra vùng giáp giới 3 xã nên huyện quyết định huy động công an, dân quân cơ động, cán bộ địa chính – xây dựng của 3 xã với tổng 10 người, trong đó K’Viang, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Sơn làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ là hoạt động 24/24 giờ, kể cả ngày thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ, lễ bắt đầu từ 12 giờ ngày 27/12/2022 cho đến khi có thông báo mới của UBND huyện. Đồng thời cả 3 xã đều tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong xã không tham gia khai thác, vận chuyển cát trộm…

“Tết rồi, tụi em ăn tết ở chốt. Em phân công 3 thành viên của mỗi xã trực chốt 2 ngày, cứ thế thay phiên từ lúc thành lập chốt đến giờ. Vào ngày chủ nhật thì cả tổ tuần tra chung. Từ ngày tổ hoạt động thì không phát hiện xe chở cát nào đi từ vùng đồng thôn Cà Lúc ra đây” - K’Viang nói với giọng bình thường hơn lúc mới gặp. Các thành viên của tổ, đều là người trẻ, lắng nghe cuộc nói chuyện với chúng tôi và cũng gật đầu đồng tình. Cứ như hiểu ý, Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Duy Khôi nhắn nhủ: “Thôi gắng vài tháng mùa khô nữa, mùa mưa tới thì sẽ dừng hoạt động tổ”.

Trời đã ngả về chiều. Trạm bảo vệ rừng Suối Đá cũng là nơi trú ngụ chung của các anh em trong tổ, đã mờ mờ tối nhưng những người chủ nơi này hình như đang tiết kiệm điện quá mức. Nhưng không, trạm chưa có điện sinh hoạt, chỉ có điện năng lượng mặt trời và thường 8 giờ tối là tắt ngúm, được thay bằng ánh đèn leo lét. Cả thôn Cà Lúc này có 212 hộ dân với 560 nhân khẩu cũng như thế. Đêm với ánh đèn dầu. Cũng không có sóng điện thoại, ngoại trừ dùng mạng Viettel lúc được, lúc không. Còn nước cho sinh hoạt thì bơm từ kênh 812 - Châu Tá lên mà dùng. Thiếu tất cả những gì cơ bản nhất trong cuộc sống hiện đại, khiến tôi có cảm giác nơi này như một ốc đảo. Nhớ những gương mặt trẻ của các thành viên trong tổ, bỗng thấy thương sự thiếu thốn kết nối nơi ốc đảo, khi không ti vi, không điện thọai… Và thật lạ, đâu chỉ dưới đồng bằng là nơi giáp giới 3 xã, dãy núi cao phía sau trạm kia cũng là nơi đánh dấu giáp ranh của Bắc Bình với Hàm Thuận Bắc và Di Linh (Lâm Đồng). Mùa này, trên dãy núi ấy có những cây rừng nở hoa trong mùa hạn đẹp như nhiệm vụ canh giữ khoáng sản nơi đây.

PHÓNG SỰ: BÍCH NGHỊ

Related articles
Khối thi đua 7:
Thực hiện ít nhất 2 công trình cây xanh
BTO - Sáng 23/2, Khối thi đua 7 tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2023. Khối thi đua 7 có 6 đơn vị thành viên, năm nay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh làm Trưởng khối và các thành viên gồm: Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Tỉnh đoàn.

(0) Comments
Focus
Cho phép trích thêm Quỹ khen thưởng, phúc lợi để tạo động lực cho người lao động
BTO-Sáng nay 23/11, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia ý kiến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với các nội dung dự thảo Luật; đồng thời tham gia góp ý nhiều nội dung quan trọng để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật này.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Canh giữ nơi “ốc đảo”