Bóng đá trẻ và bài học xã hội hóa

20/10/2023, 05:49

Gần đây, chung quanh môn thể thao túc cầu, quả bóng lăn trên sân cỏ, có không ít chuyện để bàn.

Xin nêu lại mấy chuyện mà dư luận bàn đến. Ngày 10/10/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa viết thư ngỏ gửi các cơ quan, doanh nghiệp, người hâm mộ kêu gọi sự chung tay đóng góp Quỹ phát triển bóng đá tỉnh Khánh Hòa, hỗ trợ đội nhà có đủ nguồn lực tham dự V-League – 2024. Người ta nói, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đặng chẳng đứng đã phải ra tay kêu gọi xã hội cùng chính quyền chung tay góp sức, để bóng đá phát triển xứng tầm với xứ Trầm Hương, tại một trong những Trung tâm du lịch biển hàng đầu của cả nước. Có ý kiến, thể thao nói chung, bóng đá nói riêng rất cần xã hội hóa, bóng đá đỉnh cao ngoài việc nuôi dưỡng đội tuyển, cần có sân bãi tập luyện và thi đấu xứng tầm, có lò đào tạo bóng đá trẻ - nền tảng phát triển bóng đá chuyên nghiệp. Cả hai ý kiến nêu trên đều đúng và trúng về chủ trương xã hội hóa môn thể thao vua của Khánh Hòa.

Nhân sự kiện Khánh Hòa kêu gọi xã hội hóa bóng đá, người hâm mộ lại nhắc đến sự kiện Sở VH-TT-DL Bình Thuận có công văn đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đội bóng rút tên không tham gia giải bóng đá hạng nhất quốc gia mùa giải tới, thay vào đó là đăng ký cho đội tham gia giải hạng nhì. Trong nhiều lý do xin xuống hạng có việc Dự án sửa chữa, nâng cấp sân vận động Phan Thiết mức đầu tư 17,89 tỷ đồng đang dang dở. Vạn bất đắc dĩ mới xin cho đội bóng tỉnh xuống hạng, thật đáng tiếc, bởi đội bóng hạng nhất Bình Thuận đang được người hâm mô đánh giá cao, mùa giải vừa kết thúc, đội xếp hạng 5/10 đội hạng nhất cả nước. Câu chuyện bóng đá của Bình Thuận “Tiến và lùi” khỏi phải bàn thêm, trăm ngàn mối tơ vò, cứ nói mãi, mất vui. Người hâm mộ mong cho tiến trình “Xã hội hóa bóng đá” Bình Thuận hoặc Khánh Hòa và nhiều địa phương khác có hồi kết thật hoan hỷ.

Đội tuyển bóng đá nữ và bóng đá nam Việt Nam đang hướng đến mùa giải World Cup 2026, bao cái khó đang đón đợi. Với đội tuyển bóng đá nam, trong 3 trận cầu đấu giao hữu quốc tế tháng 10/2023, thua trắng cả ba, 10 bàn thủng lưới, không bàn gỡ. Xin không bàn thêm về thắng thua của từng trận đấu. Điều dễ nhận thấy khi trái bóng lăn trên sân cỏ, thể hình và sức dẻo dai của các cầu thủ Việt Nam đều thua các cầu thủ đội bạn – dù đó chỉ là đội châu Á. Ý chí và quyết tâm không thay thế được tầm cao và sức bền. Với bất kỳ triết lý bóng đá nào, của bất cứ ông thầy sân cỏ nào, thể hình và thể lực đều là một lợi thế cần có, mang tính quyết định. Nền tảng của bóng đá một quốc gia, trước hết phải bắt đầu từ bóng đá trẻ, bóng đá học đường, bóng đá là môn thể thao không “ăn xổi ở thì” – ăn sẵn, nhằm cái lợi trước mắt, không tính đến lợi ích bài bản, căn cơ, lâu dài. Đầu tư và chăm sóc tốt, bài bản sẽ là mùa vàng bội thu và ngược lại.

Bóng đá góp phần thúc đẩy văn hóa, du lịch và ngược lại. Bóng đá Bình Thuận (cũng như các địa phương bạn) phải có đội hạng nhì, hạng nhất, các U. 16, 17, 18, 19, 20, 23, đội bóng chuyên nghiệp tham dự V-League quốc gia. Và từ cái nền tảng căn cơ đó mà Bình Thuận có cầu thủ giỏi đóng góp cho đội tuyển quốc gia. Các địa phương có nền bóng đá mạnh làm nền cho cả nước có nền bóng đá mạnh. Các tuyển thủ tuyển quốc gia lấy từ tinh hoa của bóng đá địa phương và các ngành. Đó chính là bài học nhãn tiền, bài học sống còn của bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc - lục địa châu Á.

QUỐC TOÀN

Related articles
Tin vui và tin không vui
1. Tuần này có cả tin vui và không vui. Tin vui là kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Bình Thuận vừa mới diễn ra, đã thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút và đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá trẻ và bài học xã hội hóa